Hóa thạch nhỏ, hình móng ngựa của các sinh vật di chuyển chậm dọc đáy đại dương trong đội hình theo hàng một cách đây khoảng 480 triệu năm trước đã hé lộ tập quán bầy đàn được cho là xuất hiện sớm nhất của động vật.
Theo nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Báo cáo Khoa học ngày 17/10, phần còn lại của các sinh vật đã tuyệt chủng, được gọi là trilobit, gần như được bảo tồn hoàn hảo ở sa mạc Maroc giáp thị trấn Zagora.
Giống như tất cả các loài động vật chân đốt - bao gồm côn trùng, rết, nhện và động vật giáp xác - trilobit có cơ thể phân đoạn và bộ xương ngoài.
Phát hiện về hóa thạch này cho thấy hơn 10 động vật có kích thước cỡ đồng xu này đều di chuyển theo cùng một hướng và mỗi con di chuyển trong hàng chỉ cách nhau khoảng bằng chiều dài của hai gai nhọn theo dấu "U" ngược.
[Phát hiện hóa thạch khủng long 96 triệu năm trước tại Australia]
Đồng tác giả nghiên cứu, nhà khoa học Abderrazak El Albani tại Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia của Pháp khẳng định đây là dấu hiệu hiển thị lâu đời nhất của hành vi tập thể có tổ chức.
Trước đây, hành vi nhóm giữa các loài động vật - như đàn cá, đàn chim, đàn linh dương - đã được các nhà sinh vật học nghiên cứu một cách thấu đáo, song thời điểm và cách thức xuất hiện hành vi này ít được biết đến.
Các nghiên cứu mới cũng đã nêu ra hai giả thiết có thể xảy ra. Giả thiết thứ nhất, theo nhà sinh vật học Muriel Vidal tại Đại học Western Brittany ở Brest (Pháp), loài động vật nguyên thủy Ampyx priscus có thể đã di chuyển từ một môi trường này sang một môi trường khác để tránh thời tiết xấu.
Chẳng hạn như tôm hùm gai ngày nay di chuyển trong một hàng duy nhất khi bắt đầu bão. Tôm hùm Spiny là loài động vật họ xa của Ampyx priscus và cả các loài sâu bướm cũng di chuyển theo một hàng duy nhất.
Giả thiết thứ hai, nhóm các tác giả trong nghiên cứu cho rằng việc di chuyển có trật tự theo bầy đàn dưới đáy biển có thể là tập tục sinh sản theo mùa./.