Hoạt động bán ra càphê ở Việt Nam có thể bị chậm lại

Hoạt động bán ra càphê của người trồng ở Việt Nam có thể chậm lại sau khi lượng càphê dự trữ giảm 54% từ mức dự trữ cao nhất từ trước tới nay.
Phơi càphê chất lượng cao theo đúng quy trình kỹ thuật. (Ảnh: Quang Huy/TTXVN)

Hoạt động bán ra càphê của người trồng ở Việt Nam - nước sản xuất càphê hạt robusta lớn nhất thế giới - có thể chậm lại sau khi lượng càphê dự trữ giảm 54% từ mức dự trữ cao nhất từ trước tới nay.

Theo dữ liệu do hãng tin Bloomberg thu thập được, dự trữ càphê hạt trong các kho hàng ở Việt Nam tính đến cuối tháng Tư đã sụt xuống còn 390.000 tấn, thấp hơn 27% so với cùng kỳ năm trước, và thấp hơn 25% so với tỷ lệ trung bình của 5 năm qua.

Cũng theo Bloomberg, trước đó trong tuần tính đến ngày 7/3, Việt Nam vẫn còn 850.000 tấn càphê trong kho, một mức cao kỷ lục vào thời điểm đó hàng năm.

Dự trữ sụt giảm tại các kho ở Việt Nam có thể đẩy giá càphê robusta tăng hơn nữa, sau khi đã tăng khoảng 24% từ đầu năm đến nay và thu hẹp khoảng cách giá so với loại càphê arabica vốn đắt hơn và thường được Starbucks ưa chuộng sử dụng.

Giá càphê arabica đã tăng hơn 66% do tình trạng thời tiết khắc nghiệt ở Brazil, nước sản xuất hơn 1/3 tổng sản lượng càphê thế giới.

Tình trạng sương giá tác động đến cây càphê tại Brazil trong năm 2011 đã đẩy giá càphê arabica lên cao, khiến nhiều nhà xay rang càphê phải trộn thêm càphê robusta (vốn rẻ hơn càphê arabica) vào nhằm giảm bớt giá thành sản xuất.

Trong phiên 9/5, trên Sàn giao dịch NYSE Liffe tại London (Anh), càphê robusta kỳ hạn được mua bán với giá 2.093 USD/tấn.

Giá càphê arabica kỳ hạn lúc đóng cửa cùng phiên trên Sàn ICE Futures tại New York (Mỹ) là 1,839 USD/pound (1 pound = 453,59 gram).

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Việt Nam đã xuất khẩu 822.000 tấn càphê trong 4 tháng đầu năm nay, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục