Hoạt động báo chí: Chất lượng chưa tương xứng với số lượng

Hiện nay chất lượng báo chí chưa xứng với số lượng cơ quan báo chí, có xu hướng thương mại hóa, tư nhân chi phối báo chí... và cần sửa đổi Luật Báo chí để báo chí phát triển bền vững.
Hoạt động báo chí: Chất lượng chưa tương xứng với số lượng ảnh 1Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: "xây dựng Luật Báo chí không chỉ để quản lý báo chí mà phải tạo động lực để báo chí phát triển." (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Tại Hội nghị Tổng kết 15 năm thi hành Luật Báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí diễn ra sáng 12/11 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son nhìn nhận, bên cạnh những mặt ưu điểm, hoạt động báo chí trong thời gian qua còn nhiều bất cập.

Theo ông Son, những hạn chế này là việc chất lượng chưa tương xứng với số lượng cơ quan báo chí, còn chồng chéo về tôn chỉ, mục đích, nội dung, đối tượng phục vụ; có xu hướng “thương mại hóa” trong hoạt động báo chí, hiện tượng tư nhân chi phối báo chí... Những điều này đã làm giảm chất lượng chính trị, văn hóa, khoa học, nghiệp vụ của báo chí.

Thống kê tới hết năm 2013 cho thấy, cả nước có 838 cơ quan báo in với 1.111 ấn phẩm (199 báo in và 639 tạp chí), số lượng phát hành đạt hơn 650 triệu bản/năm; 90 báo điện tử, 207 trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí; 67 đài phát thanh, truyền hình.

Ông Son cũng thẳng thắn cho rằng, lãnh đạo một số cơ quan báo chí buông lỏng công tác quản lý, giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên. Cá biệt có trường hợp không qua thẩm định, xác minh dẫn tới đưa thông tin thiếu chuẩn xác nhưng không cải chính, vi phạm đạo đức người làm báo, lợi dụng nghề nghiệp để trục lợi, vi phạm pháp luật…

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, bên cạnh mặt tích cực, còn có một số cơ quan báo chí không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, thông tin giật gân chạy theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng. Không ít ấn phẩm phụ của báo in và báo điện tử đưa quá nhiều tin tiêu cực, giật gân câu khách, trái thuần phong mỹ tục, miêu tả tỉ mỉ những hành vi tội ác mà chưa chú trọng phản ánh gương người tốt, việc tốt…, gây cảm giác nặng nề, u ám trong đời sống xã hội.

Bên cạnh đó, một số báo điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp tự ý lấy tin, bài, hình ảnh của báo khác mà không xin phép, không dẫn nguồn, vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Thậm chí, một số nhà báo, phóng viên còn lợi dụng danh nghĩa nhà báo, cơ quan báo chí để sách nhiễu địa phương, doanh nghiệp để vụ lợi… dẫn đến việc bị pháp luật xử lý.

Hoạt động báo chí: Chất lượng chưa tương xứng với số lượng ảnh 2Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Thanh Tùng/TTXVN)

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên chính là việc cơ quan chủ quản báo chí chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình dẫn đến buông lỏng, nể nang, chưa kiên quyết trong xử lý vi phạm với cơ quan báo chí thuộc quyền…

Tổng biên tập Báo Đầu tư Nguyễn Anh Tuấn thì cho rằng, ở Việt Nam mỗi cơ quan chủ quản đều có một tờ báo và đây là nguyên nhân dẫn đến việc có quá nhiều cơ quan báo chí. Điều này đã gây lãng phí và dẫn đến tiêu cực khi những cơ quan chủ quản không lo được tài chính cho cơ quan báo chí.

Theo Thứ trưởng Trương Minh Tuấn, hiện nay có một số cơ quan chủ quản, đặc biệt là các Hội xã hội, nghề nghiệp đầu tư cho cơ quan báo chí trực thuộc dưới 2 dạng: Lấy tiền của hội viên để duy trì hoạt động hoặc cho các tổ chức, cá nhân khác đầu tư. Và, “việc cho tổ chức, cá nhân khác đầu tư trong nhiều trường hợp thể hiện sự buông lỏng, không kiểm soát được nội dung thông tin, dẫn đến vi phạm về tôn chỉ mục đích quy định trong giấy phép hoạt động báo chí.”

Bởi vậy, việc cần làm trong thời gian tới là quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống báo chí tránh trùng lặp, lãng phí. Rà soát, chấn chỉnh tình trạng cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ, mục đích, không chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về báo chí.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho rằng, thực tiễn hoạt động báo chí đặt ra nhiều vấn đề vượt ngoài quy định của Luật Báo chí hiện hành. Đặc biệt với sự phát triển và hội tụ về công nghệ giữa viễn thông, truyền thông và Internet.

Bởi vậy, từ năm 2007, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương và chỉ đạo tiến hành tổng kết việc thi hành Luật Báo chí hiện hành để có kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp và “nghiên cứu bổ sung, sửa đổi Luật Báo chí và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan”. Hội nghị 15 năm sẽ có thêm sở cứ thực hiện chủ trương này.

Ông Son cũng nhấn mạnh việc xây dựng Luật Báo chí không chỉ để quản lý báo chí mà phải tạo động lực để  báo chí phát triển. Về cơ bản, phần lớn báo chí phải tự hạch toán, do vậy, vấn đề đặt ra là làm thế nào để hạn chế báo chí không chạy theo xu hướng thương mại hóa, coi lợi nhuận kinh tế cao hơn lợi ích chính trị-tư tưởng. Để thực hiện điều này, Luật Báo chí cần có các qy định tăng cường quản lý nhà nước đối với báo chí; tạo cơ chế, chính sách để tận dụng được các nguồn lực trong xã hội, đề cao tính chịu trách nhiệm của cơ quan báo chí, chủ quản báo chí./.

Luật Báo chí được Quốc hội khóa VIII, kỳ họp lần thứ 6 thông qua ngày 28/12/1989 và được Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 2/1/1990. Tới 12/6/1999, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa X đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí.

Theo các chuyên gia, đến thời điểm hiện tại, rất cần phải sửa đổi lại Luật Báo chí để phù hợp với nhu cầu thực tiễn đặt ra.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục