Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai tại Hà Nội, giáo sư Faisal Ahmed, chuyên gia nghiên cứu các vấn đề kinh tế-địa chính trị khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thuộc Đại học Quản trị FORE (New Delhi), đã bày tỏ lạc quan về kết quả hội nghị, đồng thời nhận định sự kiện thu hút sự quan tâm đặc biệt của quốc tế này sẽ mang lại những lợi ích to lớn cho Việt Nam.
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại New Delhi, giáo sư Faisal Ahmed đánh giá hội nghị lần này là sự tiến triển tất yếu từ hội nghị trước.
Ông cho rằng tại Singapore năm ngoái, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã nhất trí về việc phi hạt nhân hóa, nhưng sau đó mỗi bên lại tuyên bố có một số vấn đề khiến tình hình rơi vào bế tắc.
Tuy nhiên tại hội nghị lần này, mặc dù hai bên ít có khả năng đạt được đột phá lớn, song hai nhà lãnh đạo có thể sẽ đưa ra được một lộ trình để từng bước thực hiện việc phi hạt nhân hóa.
Theo giáo sư Faisal Ahmed, về phía Triều Tiên, hiện nước này đang hướng đến một tiến trình công nghiệp hóa, tìm kiếm đầu tư của nước ngoài. Do đó, một kết quả tiềm tàng nữa của hội nghị lần hai có thể là việc hai bên nhất trí về một lộ trình phát triển kinh tế và đầu tư song phương. Lộ trình này sẽ quy định về cách thức dỡ bỏ trừng phạt, cung cấp viện trợ và đảm bảo an ninh cho Triều Tiên.
Ông Faisal Ahmed dự báo những kết quả thực chất tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần hai sẽ góp phần đáng kể vào việc làm giảm căng thẳng giữa Triều Tiên và Hàn Quốc nói riêng và trong khu vực nói chung.
Đánh giá về những tác động của hội nghị đối với Việt Nam, giáo sư Faisal Ahmed cho rằng Việt Nam nằm ở vị trí địa lý chiến lược và đã đạt được tầm quan trọng chiến lược trong những năm qua nếu nhìn vào những diễn đàn thượng đỉnh mà Việt Nam từng đăng cai.
Theo giáo sư, thông qua việc tổ chức sự kiện quan trọng này, Việt Nam chắc chắn sẽ đạt được hai lợi ích, về vị thế quốc tế và địa kinh tế. Thế giới sẽ hiểu hơn về Việt Nam và vai trò của Việt Nam sẽ gia tăng tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Nếu nhìn vào vị trí của Việt Nam trong ASEAN và các diễn đàn đa phương, có thể thấy Việt Nam luôn nhất quán giữ vai trò trung gian, thân thiện và không tham gia xung đột với bất kỳ bên nào.
Năm ngoái Singapore đã đạt được rất nhiều lợi ích về kinh tế và vị thế quốc tế và điều tương tự sẽ đến với Việt Nam trong năm nay.
Việc tổ chức sự kiện này sẽ thúc đẩy hình ảnh quốc tế của Việt Nam như là nhân tố chủ chốt góp phần vào việc đưa ra các giải pháp an ninh khu vực tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương./.