Học giả Canada quan tâm tư tưởng chống phân biệt chủng tộc của Bác Hồ

Giáo sư Agrawal ấn tượng khi những vấn đề thời sự nóng hổi như cuộc đấu tranh đòi công bằng cho người da màu, đặc biệt là người da đen, đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến từ gần 100 năm trước.
Giáo sư Nguyễn Đài Trang. (Ảnh: Vũ Quang Thịnh/TTXVN)

Cứ tháng Hai hằng năm tại Canada lại diễn ra nhiều lễ hội và sự kiện để tôn vinh những di sản của cộng đồng người Canada gốc Phi và truyền cảm hứng về nền văn hóa độc đáo của “lục địa Đen."

Giáo sư Nguyễn Đài Trang đã chọn tháng lịch sử của người da đen này để ra mắt cuốn sách ''Hồ Chí Minh: Chủng tộc da đen và các tác phẩm chọn lọc về phân biệt chủng tộc.''

Trong bối cảnh Canada đang trong làn sóng lây nhiễm thứ hai của đại dịch COVID-19, buổi lễ ra mắt tác phẩm thứ năm của Giáo sư Nguyễn Đài Trang viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh (phiên bản tiếng Anh và tiếng Việt) đã được Hiệp hội Hữu nghị Canada-Việt Nam (CVFS) tổ chức trang trọng dưới hình thức trực tuyến trong chiều 20/2 (giờ miền Đông ở Bắc Mỹ).

Giáo sư Nguyễn Đài Trang, người đã dành hơn 1/4 thế kỷ để sưu tầm, khảo cứu và viết sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh, hào hứng chia sẻ với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam: "Một tác phẩm mà nhiều người nhắc đến nhưng ít có cơ hội đọc là 'Chủng tộc da đen' của Bác viết năm 1925 bằng tiếng Pháp và bản tiếng Nga được xuất bản tại Liên Xô năm 1928. Điều mà bạn đọc ít biết đến là tầm ảnh hưởng sâu rộng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phong trào giải phóng dân tộc ở châu Phi cũng như phong trào chống chiến tranh và đòi quyền bình đẳng cho người gốc Phi tại Mỹ. Chính điều này đã thôi thúc tôi tập hợp 20 bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, gồm 13 bài trong tác phẩm 'Chủng tộc da đen' và bảy bài viết trong các giai đoạn 1922-1924 và 1963-1966 để giới thiệu trong cuốn sách này."

Cái chết của George Floyd, một công dân Mỹ gốc Phi, gây ra bởi một cảnh sát ở Minnesota (Mỹ) vào cuối tháng 5/2020 đã tạo ra "cơn địa chấn" liên quan đến nạn phân biệt chủng tộc.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau - từng bày tỏ tình đoàn kết với những người biểu tình chống phân biệt chủng tộc trước Đồi Quốc hội hồi đầu tháng 6/2020, đã thẳng thắn thừa nhận rằng tình trạng phân biệt mang tính hệ thống cũng đang tồn tại ở nước này.

Theo thống kê năm 2016, người da đen ở Canada phải đối mặt với những khó khăn kinh tế lớn hơn nhiều so với người Canada da trắng và các nhóm sắc tộc khác. Đặc biệt, tỷ lệ thất nghiệp của người da đen cũng cao hơn các nhóm dân số khác ở Xứ sở Lá phong.

Giáo sư Nguyễn Đài Trang cho biết vụ việc George Floyd đã thúc đẩy Giáo sư gấp rút hoàn thành công trình ấp ủ lâu nay về tư tưởng bình đẳng giữa các màu da của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi tư tưởng này mang tính thời sự bức thiết hơn bao giờ hết.

[Chân dung vị lãnh tụ cách mạng qua trang sách của một Việt kiều Canada]

Giáo sư Nguyễn Đài Trang, với tư cách là nhà nghiên cứu, đã lần theo dấu chân Bác khi "Người đi hỏi khắp bóng cờ châu Mỹ, châu Phi; Những đất tự do, những trời nô lệ” (thơ Chế Lan Viên) và cảm nhận được nỗi băn khoăn của nhà lãnh tụ Cách mạng Việt Nam: "Ánh sáng trên đầu thần Tự Do tỏa rộng khắp trời xanh, còn dưới chân tượng thần Tự Do thì người da đen đang bị chà đạp; số phận người phụ nữ bị chà đạp. Bao giờ người da đen được bình đẳng với người da trắng? Bao giờ có sự bình đẳng giữa các dân tộc."

Niềm trăn trở đó của Người gắn với tấm lòng nhân ái bao la dành cho các dân tộc thuộc địa và nhân dân lao động trên toàn thế giới đã lay động trái tim của nhiều bạn bè Canada.

Bác Hồ trong phòng làm việc của Người tại căn cứ địa Việt Bắc năm 1951.( Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

Giáo sư Anita Agrawal, nhà hoạt động đấu tranh cho bình đẳng giới và bình đẳng thu nhập, hiện là Giám đốc điều hành Best Bargain Jewellry, đã nhấn mạnh về ý nghĩa lịch sử và đương đại của các tác phẩm chọn lọc về phân biệt chủng tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Giáo sư Anita Agrawal, người từng đoạt giải Doanh nghiệp xuất khẩu do phụ nữ làm chủ năm 2012 của Tổ chức phụ nữ trong thương mại quốc tế (OWIT), bày tỏ ấn tượng khi những vấn đề thời sự nóng hổi như sự khốn khổ của những đối tượng chịu nhiều tầng áp bức hay cuộc đấu tranh đòi công bằng cho người da màu, đặc biệt là người da đen, đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến từ gần 100 năm trước.

Ông Femi Oloruntoba, đồng Giám đốc Hội đồng Thương mại Canada-Việt Nam, xúc động chia sẻ: "Các tác phẩm chọn lọc về phân biệt chủng tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tác động đến tư tưởng của tôi. Tôi nghĩ rằng đó là một lời nhắc nhở tuyệt vời để những người da màu tập hợp lại và rút ra những bài học khi tham gia phong trào 'Black lives matter' (tạm dịch: Mạng sống của người da đen cũng quan trọng) và xây dựng chương trình hành động trong tương lai."

Qua cuốn sách ''Hồ Chí Minh: Chủng tộc da đen và các tác phẩm chọn lọc về phân biệt chủng tộc'' của Giáo sư Nguyễn Đài Trang, bạn bè Canada không những có thể hiểu thêm về sự nghiệp cách mạng phong phú, sôi động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn thấy được tư tưởng sáng ngời của Người về chống phân biệt chủng tộc, đấu tranh cho công bằng và bác ái giữa các màu da.

Cuốn sách đang chiếm vị trang trọng trong phần quảng cáo của "A Different Booklist" - hiệu sách từng được trao tặng Giải thưởng xuất sắc về nghệ thuật vì những đóng góp cho văn hóa và nghệ thuật của tỉnh Ontario, Canada.

Sự kiện ra mắt cuốn sách này của Giáo sư Nguyễn Đài Trang đã thu hút sự tham gia nhiệt tình của cả các học giả đến từ châu Âu và Mỹ Latinh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục