Học giả Mỹ đề xuất xây dựng Công viên hòa bình ở Biển Đông

Ngày 26/10, trang tin Geopoliticalmonitor đã có bài phân tích về việc xây dựng công viên hòa bình tại các khu vực tranh chấp ở Biển Đông có thể giúp ổn định tình hình khu vực.
Học giả Mỹ đề xuất xây dựng Công viên hòa bình ở Biển Đông ảnh 1Các học giả tham dự một cuộc hội thảo về Biển Đông tại Mỹ. (Ảnh: Thanh Tuấn/TTXVN)

Ngày 26/10, trang tin Geopoliticalmonitor đã có bài phân tích về việc xây dựng công viên hòa bình tại các khu vực tranh chấp ở Biển Đông có thể giúp ổn định tình hình khu vực.

Theo bài viết, các học giả, nhà sinh học biển, cựu sỹ quan cao cấp trong quân đội, quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ và các tổ chức phi chính phủ (NGO) tiếp tục lên tiếng góp phần tăng cường tiếng nói của Washington đối với các hoạt động trang chấp lãnh thổ ở Biển Đông.

Mới đây, Trường cao học nghiên cứu các vấn đề quốc tế (SAIS), Đại học Johns Hopkins đã tổ chức hội thảo “Thúc đẩy khai thác sử dụng bền vững các đại dương: An ninh, hợp tác và phát triển,” thảo luận nhiều chủ đề liên quan đến biển, một trong những chủ đề chính đó là thúc đẩy hợp tác toàn cầu và phát triển bền vững vì an ninh và phát triển của Biển Đông, trong đó đã tập trung thảo luận về các hoạt động đánh bắt cá thiếu bền vững và các hoạt động tôn tạo bất chấp dư luật và luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông.

Do Biển Đông là một trong những hệ sinh thái biển lớn và quan trọng vào bậc nhất trên thế giới, giàu các nguồn tài nguyên sinh vật và là nơi cung cấp lương thực quan trọng cho cộng đồng dân cư các nước ven Biển Đông, nên việc xây dựng các khu vực bảo tồn tại vùng biển này là điều hết sức cần thiết, có thể góp phần ngăn chặn các xung đột tại Biển Đông.

Hiện Việt Nam và Philippines là những nước đang cố gắng thúc đây sự hợp tác vì lợi ích chung.

Giáo sư McManus, một nhà sinh học biển hàng đầu tại Đại học Miami (Mỹ) cho rằng Việt Nam, quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, đã có khu bảo tồn biển, vì vậy nên mở rộng các hoạt động bảo tồn đến khu vực Trường Sa.

Vì nếu tình hình Biển Đông vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, các nguồn lợi thủy sản tại đây bị suy giảm sẽ ảnh hưởng nhiều đến lợi ích của Việt Nam.

Các nhà khoa học biển tin rằng công viên hòa bình được thành lập sẽ giúp giải quyết được tình trạng suy giảm số loài sinh vật biển, bảo vệ các rạn san hô quý giá.

Giáo sư McManus cùng các tiến sỹ Kwang-Tsaou Shao và Szu-Yin Lin của Trung tâm nghiên cứu đa dạng sinh học Đài Loan cho rằng việc thành lập công viên hòa bình quốc tế tại Biển Đông còn giúp quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên hiệu quả hơn và giảm bớt căng thẳng trong khu vực.

Theo phân tích của giáo sư McManus, các hoạt động tôn tạo của Trung Quốc ở Biển Đông tiếp tục làm cho các rạn san hô vốn đã có từ lâu đời trong lịch sử loài người đang nhanh chóng mất đi.

Các nhà khoa học môi trường cho rằng, các mối hiểm nguy đối với các tuyến đường biển chiến lược vào bậc nhất trên thế giới này cùng các đảo, rặng san hô, các đá, bãi chìm và hơn 3.000 loài sinh vật biển đang gia tăng do nguy cơ xung đột gia tăng giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Á.

Bảo vệ môi trường sinh thái biển là vấn đề toàn cầu, sự bền vững của các đại dương là vấn đề sống còn cho mọi sự sống trên cả hành tinh.

Những thách thức đối với hệ sinh thái Biển Đông hiện nay bao gồm sự biến đổi khí hậu, hệ sinh thái và đa dạng sinh học bị hủy hoại, sự xuống cấp của môi trường tự nhiên, các hoạt động đánh bắt cá tận diệt…

Năm 2002, ASEAN và Trung Quốc đã ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) đồng thời cam kết sẽ nỗ lực theo đuổi “giải quyết các tranh chấp lãnh thổ bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng bạo lực.” Tuy nhiên, các hành động của Trung Quốc đã không tuân thủ các quy định trên.

Để góp phần bảo vệ môi trường sinh thái tại Biển Đông, đảm bảo sự phát triển bền vững và an ninh khu vực, nhiều ý kiến cho rằng nên thành lập khu công viên hòa bình nhằm duy trì sự đa dạng sinh học, tài nguyên thiên nhiên và văn hóa, thúc đẩy hòa bình và hợp tác.

Trên thế giới cũng đã xuất hiện nhiều khu bảo tồn biển, năm 1932 Công viên hòa bình quốc tế Waterton-Glacier được hình thành giữa Canada và Mỹ giúp hai bên tăng cường hợp tác và nghiên cứu và du lịch sinh thái; Năm 1994 công viên hòa bình biển đỏ được hình thành giữa Israel và Jordan ở phía ​Bắc Vịnh Aqaba cũng góp phần bình thường hóa quan hệ, thúc đẩy hợp tác nghiên cứu sinh thái biển về các rạn san hô và bảo tồn biển giữa hai nước; Năm 1959 Hiệp ước Nam Cực được ký kết giúp hình thành công viên hòa bình đa phương hỗ trợ đắc lực cho các hoạt động nghiên cứu khoa học và bảo tồn tại đây.

Washington cũng đã thừa nhận tính chất xuyên quốc gia và đa phương của vấn đề môi trường Biển Đông và vai trò quan trọng của ASEAN trong việc hình thành khung pháp lý đảm bảo an ninh môi trường Đông Nam Á.

Hành động đơn phương tiến hành các hoạt động tôn tạo nguy hiểm của Trung Quốc đã vi phạm các điều khoản của DOC.

Tuy nhiên, thật không may là ASEAN vẫn chưa lên án thích đáng về các hoạt động Trung Quốc hủy hoại môi trường sinh thái.

Thách thức đối với Washington và thế giới hiện là vẫn chưa thể đưa ra được một giải pháp để bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo sự phát triển bền vững của vùng biển quan trọng này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.