Nghe cô bạn hàng xóm hào hứng kể về kế hoạch nghỉ hè ở quê nội với những dự định vui chơi, khám phá cuộc sống nông thôn của mình, vẻ mặt Hoàng Hà (học sinh trường Tiểu học Nguyễn Du, Hà Nội) buồn thiu. Vẻ uể oải, Hà nói: “Chẳng bao giờ mình được nghỉ hè như cậu! Năm nào cũng vậy, hè với mình chẳng khác gì học kỳ 3 với lịch học dày đặc, kín cả tuần.”
“Bao giờ con mới được nghỉ hè?”
Ngay từ đầu tháng năm, chị Hoa, mẹ của bé Hà đã lên kế hoạch sẵn sàng cho kỳ nghỉ hè của cậu con trai 9 tuổi của mình với lịch học dày đặc, bao gồm cả việc ôn luyện những môn văn hóa và học các môn năng khiếu, kỹ năng sống. “Học càng nhiều càng tốt! Các gia đình hiện nay đều rất chú trọng đầu tư việc học cho con cái nên mình cũng phải cố gắng để con được bằng bạn, bằng bè,” chị Hoa nói.
Với suy nghĩ đó, chị đăng ký cho con học thêm các môn văn hóa cả ngày từ thứ Hai đến thứ Sáu tại nhà cô giáo. Sau đó, từ 17 giờ đến 19 giờ hàng ngày, Hà sẽ được học các môn võ thuật, bơi lội đan xen các ngày trong tuần tại nhà văn hóa để rèn luyện sức khỏe.
Nghe thấy lịch học của mình, Hà chỉ còn biết mếu máo: “Mẹ ơi, vậy thì bao giờ con mới được nghỉ hè?” Vừa kết thúc năm học chưa được một tuần thì Hà sẽ phải bắt nhịp ngay với việc học hè. “Năm nào cũng vậy, sao đúng 1/6, các bạn được đi chơi thì con lại phải đi khai giảng lớp học thêm hè?” câu bé ngơ ngác, ánh mắt khẩn cầu nhìn người mẹ.
Không chỉ có vậy, để tận dụng tối đa thời gian, chị Hoa tranh thủ nốt hai ngày cuối tuần gửi con tới các lớp học kỹ năng sống. “Các cháu đi học vừa được trau dồi về kiến thức, vừa được rèn luyện về ý thức. Cho các cháu nghỉ lâu, không ai quản lý, dễ đua đòi sinh hư,” chị Hoa bộc bạch.
“Hơn nữa, thấy con người ta đi học mà con mình ở nhà chơi thì thực sự không yên tâm. Bao nhiêu kiến thức trong thời gian đó sẽ trôi đi mất,” vị phụ huynh này sốt sắng chia sẻ.
Câu chuyện về việc “chạy sô” học hè không phải là câu chuyện riêng của cậu bé Hoàng Hà. Đó là tình trạng chung khá phổ biến của học sinh ở các thành phố lớn hiện nay. Đặc biệt, với những học sinh chuẩn bị bước vào năm học cuối cấp, phải đối mặt với những kì thi chuyển cấp, tuyển sinh đại học, lịch học hè càng trở nên “căng như dây đàn.”
“Em thậm chí không được nghỉ hè ngày nào. Khi học kỳ chính khóa trên trường kết thúc cũng là lúc phải tăng tốc học thêm. Sang năm em thi đại học nên mẹ yêu cầu em phải tích cực, chăm chỉ luyện thi ngay từ bây giờ,” Quỳnh Ly, học sinh lớp 11 trường Trung học phổ thông Cầu Giấy, chia sẻ.
Theo đó, từ việc học thêm 3 buổi/tuần, số buổi học thêm của Ly tăng lên gấp bốn lần, phủ kín 6 ngày/tuần. Thêm vào đó, các buổi tối, Ly đều có gia sư đến tận nhà kèm cặp làm bài tập. “Chỉ trừ những lúc ăn và ngủ, còn lại đầu em lúc nào cũng căng ra với những bài tập toán, văn, tiếng Anh,…” cô học trò nhăn nhó bày tỏ.
Đừng để năm học kéo dài 12 tháng
Tiếp tục mạch câu chuyện, Quỳnh Ly ngán ngẩm cho biết: Vì quá bận rộn với việc di chuyển từ lớp này sang lớp khác, về đến nhà thì đã mệt rã rời, nhiều bạn không còn thời gian để ôn tập, đọc lại bài và kết quả là không có chút kiến thức nào đọng lại trong đầu. “Thậm chí, nhiều bạn đến lớp học thêm cũng chỉ để chép và chép, về báo cáo bố mẹ là con có đi học,” Ly nói.
Trước thực tế quá tải học thêm hè này, Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Quang Uẩn (Khoa Tâm lý giáo dục, Đại học Sư phạm Hà Nội) cho rằng, đó là một thực trạng đáng báo động. “Việc ép con em đi học thêm hè triền miên như vậy là một sự sai lầm của phụ huynh. Các bậc làm cha làm mẹ đang xâm phạm đến quyền được nghỉ ngơi chính đáng của các em và làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển tự nhiên của các em ở lứa tuổi này,” thầy Uẩn nói.
“Nghỉ hè là thời gian để các em chuyển hình thức hoạt động từ trong nhà trường sang hoạt động với gia đình, xã hội và văn hóa theo nghĩa rộng, đảm bảo sự phát triển toàn diện,” thầy phân tích.
Cũng theo Giáo sư Nguyễn Quang Uẩn, việc các bậc phụ huynh cho con em đi học thêm hè triền miên sẽ khiến các em không còn thời gian hòa nhập vào cuộc sống thực; dần biến các em thành những chiếc máy thụ động, không đảm bảo sự cân bằng tâm, sinh lý. “Điều này sẽ tạo ra sự phản tác dụng nghiêm trọng. Việc học không những không có hiệu quả mà còn gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, tinh thần, sự phát triển tính cách ở các em,” thầy Uẩn nhấn mạnh.
Đồng quan điểm với Giáo sư Nguyễn Quang Uẩn, cô Trần Thị Mai, giáo viên trường Trung học phổ thông Chu Văn An cũng cho rằng, việc học đòi hỏi một quá trình tích lũy kiến thức lâu dài và tự giác. “Nhiều bậc phụ huynh sẵn sàng bỏ tiền cho con đi học thêm mà không thực sự hiểu rằng, đến lớp, các em thực sự làm gì và thu nhận được gì,” cô Mai nói.
Xuất phát từ lý do đó, cô cho rằng, các bậc phụ huynh hãy để cho con em mình có kỳ nghỉ hè thực sự, kết hợp hài hòa việc chơi và học, để các em có thời gian nạp lại năng lượng sau một năm học kéo dài vất vả mà vẫn không quên kiến thức.
“Mọi sự ép buộc thường không mang lại kết quả tốt. Đừng để năm học của các em kéo dài cả 12 tháng. Thay vào đó, các bậc phụ huynh nên rèn cho con em ý thức tự giác trong học tập, hướng cho các em biết cách tự cân bằng, hài hòa các mặt trong cuộc sống,” cô Mai nói thêm./.
“Bao giờ con mới được nghỉ hè?”
Ngay từ đầu tháng năm, chị Hoa, mẹ của bé Hà đã lên kế hoạch sẵn sàng cho kỳ nghỉ hè của cậu con trai 9 tuổi của mình với lịch học dày đặc, bao gồm cả việc ôn luyện những môn văn hóa và học các môn năng khiếu, kỹ năng sống. “Học càng nhiều càng tốt! Các gia đình hiện nay đều rất chú trọng đầu tư việc học cho con cái nên mình cũng phải cố gắng để con được bằng bạn, bằng bè,” chị Hoa nói.
Với suy nghĩ đó, chị đăng ký cho con học thêm các môn văn hóa cả ngày từ thứ Hai đến thứ Sáu tại nhà cô giáo. Sau đó, từ 17 giờ đến 19 giờ hàng ngày, Hà sẽ được học các môn võ thuật, bơi lội đan xen các ngày trong tuần tại nhà văn hóa để rèn luyện sức khỏe.
Nghe thấy lịch học của mình, Hà chỉ còn biết mếu máo: “Mẹ ơi, vậy thì bao giờ con mới được nghỉ hè?” Vừa kết thúc năm học chưa được một tuần thì Hà sẽ phải bắt nhịp ngay với việc học hè. “Năm nào cũng vậy, sao đúng 1/6, các bạn được đi chơi thì con lại phải đi khai giảng lớp học thêm hè?” câu bé ngơ ngác, ánh mắt khẩn cầu nhìn người mẹ.
Không chỉ có vậy, để tận dụng tối đa thời gian, chị Hoa tranh thủ nốt hai ngày cuối tuần gửi con tới các lớp học kỹ năng sống. “Các cháu đi học vừa được trau dồi về kiến thức, vừa được rèn luyện về ý thức. Cho các cháu nghỉ lâu, không ai quản lý, dễ đua đòi sinh hư,” chị Hoa bộc bạch.
“Hơn nữa, thấy con người ta đi học mà con mình ở nhà chơi thì thực sự không yên tâm. Bao nhiêu kiến thức trong thời gian đó sẽ trôi đi mất,” vị phụ huynh này sốt sắng chia sẻ.
Câu chuyện về việc “chạy sô” học hè không phải là câu chuyện riêng của cậu bé Hoàng Hà. Đó là tình trạng chung khá phổ biến của học sinh ở các thành phố lớn hiện nay. Đặc biệt, với những học sinh chuẩn bị bước vào năm học cuối cấp, phải đối mặt với những kì thi chuyển cấp, tuyển sinh đại học, lịch học hè càng trở nên “căng như dây đàn.”
“Em thậm chí không được nghỉ hè ngày nào. Khi học kỳ chính khóa trên trường kết thúc cũng là lúc phải tăng tốc học thêm. Sang năm em thi đại học nên mẹ yêu cầu em phải tích cực, chăm chỉ luyện thi ngay từ bây giờ,” Quỳnh Ly, học sinh lớp 11 trường Trung học phổ thông Cầu Giấy, chia sẻ.
Theo đó, từ việc học thêm 3 buổi/tuần, số buổi học thêm của Ly tăng lên gấp bốn lần, phủ kín 6 ngày/tuần. Thêm vào đó, các buổi tối, Ly đều có gia sư đến tận nhà kèm cặp làm bài tập. “Chỉ trừ những lúc ăn và ngủ, còn lại đầu em lúc nào cũng căng ra với những bài tập toán, văn, tiếng Anh,…” cô học trò nhăn nhó bày tỏ.
Đừng để năm học kéo dài 12 tháng
Tiếp tục mạch câu chuyện, Quỳnh Ly ngán ngẩm cho biết: Vì quá bận rộn với việc di chuyển từ lớp này sang lớp khác, về đến nhà thì đã mệt rã rời, nhiều bạn không còn thời gian để ôn tập, đọc lại bài và kết quả là không có chút kiến thức nào đọng lại trong đầu. “Thậm chí, nhiều bạn đến lớp học thêm cũng chỉ để chép và chép, về báo cáo bố mẹ là con có đi học,” Ly nói.
Trước thực tế quá tải học thêm hè này, Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Quang Uẩn (Khoa Tâm lý giáo dục, Đại học Sư phạm Hà Nội) cho rằng, đó là một thực trạng đáng báo động. “Việc ép con em đi học thêm hè triền miên như vậy là một sự sai lầm của phụ huynh. Các bậc làm cha làm mẹ đang xâm phạm đến quyền được nghỉ ngơi chính đáng của các em và làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển tự nhiên của các em ở lứa tuổi này,” thầy Uẩn nói.
“Nghỉ hè là thời gian để các em chuyển hình thức hoạt động từ trong nhà trường sang hoạt động với gia đình, xã hội và văn hóa theo nghĩa rộng, đảm bảo sự phát triển toàn diện,” thầy phân tích.
Cũng theo Giáo sư Nguyễn Quang Uẩn, việc các bậc phụ huynh cho con em đi học thêm hè triền miên sẽ khiến các em không còn thời gian hòa nhập vào cuộc sống thực; dần biến các em thành những chiếc máy thụ động, không đảm bảo sự cân bằng tâm, sinh lý. “Điều này sẽ tạo ra sự phản tác dụng nghiêm trọng. Việc học không những không có hiệu quả mà còn gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, tinh thần, sự phát triển tính cách ở các em,” thầy Uẩn nhấn mạnh.
Đồng quan điểm với Giáo sư Nguyễn Quang Uẩn, cô Trần Thị Mai, giáo viên trường Trung học phổ thông Chu Văn An cũng cho rằng, việc học đòi hỏi một quá trình tích lũy kiến thức lâu dài và tự giác. “Nhiều bậc phụ huynh sẵn sàng bỏ tiền cho con đi học thêm mà không thực sự hiểu rằng, đến lớp, các em thực sự làm gì và thu nhận được gì,” cô Mai nói.
Xuất phát từ lý do đó, cô cho rằng, các bậc phụ huynh hãy để cho con em mình có kỳ nghỉ hè thực sự, kết hợp hài hòa việc chơi và học, để các em có thời gian nạp lại năng lượng sau một năm học kéo dài vất vả mà vẫn không quên kiến thức.
“Mọi sự ép buộc thường không mang lại kết quả tốt. Đừng để năm học của các em kéo dài cả 12 tháng. Thay vào đó, các bậc phụ huynh nên rèn cho con em ý thức tự giác trong học tập, hướng cho các em biết cách tự cân bằng, hài hòa các mặt trong cuộc sống,” cô Mai nói thêm./.
Phương Mai (Vietnam+)