Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thúc ép Myanmar về vấn đề người Rohingya

Đại sứ Kuwait tại Liên hợp quốc ngày 30/4 cho biết, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ thúc ép Myanmar đảm bảo rằng người Hồi giáo Rohingya trốn chạy khỏi nước này có thể hồi hương an toàn.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thúc ép Myanmar về vấn đề người Rohingya ảnh 1Người tị nạn Rohingya chờ đợi lương thực cứu trợ tại trại tị nạn Thankhali ở Ukhia, Bangladesh ngày 21/1 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

AFP đưa tin, Đại sứ Kuwait tại Liên hợp quốc Mansour al-Otaibi ngày 30/4 cho biết, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ thúc ép Myanmar đảm bảo rằng người Hồi giáo Rohingya trốn chạy khỏi nước này có thể hồi hương an toàn và tự do sau khi các nhà ngoại giao Liên hợp quốc đã kết thúc chuyến thăm ba ngày tới những trại tị nạn của Bangladesh.

Phát biểu với báo giới, ông al-Otaibi cho biết: "Đây là một cuộc khủng hoảng nhân đạo và một vấn đề nhân quyền. Tình hình không thể duy trì mà không có một giải pháp và thông tin chúng tôi sẽ truyền tải tới Myanmar, tới chính những người tị nạn, tới phần còn lại của thế giới là chúng tôi quyết tâm tìm ra một giải pháp cho cuộc khủng hoảng này.

[Bangladesh tìm kiếm sự hỗ trợ của nhiều nước về vấn đề người Rohingya]

Tất cả các bên nên thể hiện cam kết giải quyết khủng hoảng càng sớm càng tốt. Chúng tôi không thể mãi im lặng về vấn đề này."

Theo nhà ngoại giao Kuwait, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ "thử tìm cách thức và biện pháp để thúc đẩy việc thực thi thỏa thuận hồi hương đã được ký giữa Bangladesh và Myanmar về sự an toàn, tự do, tự nguyện và sự quay trở về đáng quý của những người tị nạn."

Các phái viên từ 15 quốc gia thành viên Liên hợp quốc ngày 29/4 đã thăm những trại tị nạn quanh khu vực Cox's Bazar của Bangladesh, nơi khoảng 700.000 người Rohingya đang trú ngụ kể từ khi quân đội Myanmar phát động một cuộc đàn áp nhằm vào cộng đồng này tại bang Rakhine hồi tháng Tám năm ngoái. Liên hợp quốc đã gọi hành động quân sự này là "thanh lọc sắc tộc."

Các phái viên đã gặp Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina vào sáng 30/4 trước khi rời nước này tới quốc gia láng giềng Đông Nam Á, nơi họ sẽ có các cuộc hội đàm với nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi.

Các phái viên cũng sẽ bay qua bang Rakhine để xem xét những phần còn lại của ngôi làng bị phóng hỏa trong vụ bạo lực năm ngoái./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục