Hội đồng Bảo an ra tuyên bố chung về tình hình bang Rakhine

Hội đồng Bảo an kêu gọi Chính phủ Myanmar kiểm soát việc huy động lực lượng quân sự, khôi phục chính quyền dân sự và áp đặt pháp trị, đảm bảo tôn trọng nhân quyền.
Hội đồng Bảo an ra tuyên bố chung về tình hình bang Rakhine ảnh 1Người tị nạn Rohingya tại khu trại tạm Kutupalong ở Ukhia, Bangladesh ngày 25/10, sau khi sơ tán khỏi bang Rakhine của Myanmar. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 6/11, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã ra tuyên bố chung kêu gọi Chính phủ Myanmar kiềm chế các hoạt động quân sự tại bang Rakhine, tạo điều kiện cho hàng trăm nghìn người Rohingya theo đạo Hồi trở về quê hương sau khi buộc phải đi lánh nạn tại quốc gia láng giềng Bangladesh do xung đột.

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, trong tuyên bố mới nhận được sự ủng hộ của tất cả các thành viên trong đó có cả Trung Quốc và Nga, Hội đồng Bảo an lên án mạnh mẽ tình trạng bạo lực tại Rakhine trong nhiều tuần qua, đẩy 600.000 người Rohingya vào tình trạng ly tán, rời bỏ nhà cửa để sang Bangladesh lánh nạn đồng thời bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình hình khủng hoảng nhân đạo tại khu vực đang xảy ra bạo động này.

Qua đây, Hội đồng Bảo an kêu gọi Chính phủ Myanmar kiểm soát việc huy động lực lượng quân sự, khôi phục chính quyền dân sự và áp đặt pháp trị, đảm bảo tôn trọng nhân quyền.

Thay vì thông qua nghị quyết do Anh và Pháp soạn thảo và đệ trình hồi tháng trước, Hội đồng Bảo an đã thông qua tuyên bố chung, tránh trường hợp Nga và Trung Quốc phủ quyết.


[Cố vấn nhà nước Myanmar nêu hướng giải quyết vấn đề Rakhine]

Nội dung tuyên bố chung được cho là bao gồm hầu hết các yêu cầu trong dự thảo nghị quyết của Anh và Pháp.

Làn sóng bạo lực nổ ra tại Rakhine từ ngày 25/8 khi những phần tử Hồi giáo thuộc cộng đồng người Rohingya thiểu số tấn công 24 đồn cảnh sát và đột nhập một căn cứ quân sự tại bang Rakhine buộc chính phủ phải triển khai các chiến dịch an ninh.

Xung đột với các vụ giao tranh nghiêm trọng nhất xảy ra gần thị trấn Maungdaw đã làm ít nhất 110 người thiệt mạng. Bạo lực khiến hàng chục nghìn người Rohingya, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, tìm cách vượt biên sơ tán sang lãnh thổ Bangladesh.

Tình trạng này đang có nguy cơ bùng nổ thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo quy mô lớn, đòi hỏi các nỗ lực và hành động quốc tế nhằm đáp ứng những nhu cầu cứu trợ ngày càng tăng, nhất là về lương thực, nước uống, dịch vụ vệ sinh, chăm sóc y tế, chỗ ở./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục