Ngày 9/8, tại trụ sở của Liên hợp quốc ở thành phố New York (Mỹ) Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tiếp tục thảo luận về dự thảo nghị quyết nhằm đối phó với nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq.
Ba phương án được đưa ra đó là làm suy yếu khả năng tài chính của lực lượng thánh chiến Hồi giáo ở Iraq, ngăn chặn dòng chiến binh nước ngoài tràn vào Iraq và đe dọa trừng phạt những đối tượng chiêu mộ tân binh và tiếp tay cho nhóm này.
Văn kiện trên do Anh soạn thảo và có thể sẽ được đưa ra bỏ phiếu ngay cuối tuần này. Ban đầu, Anh muốn nghị quyết được thông qua trước cuối tháng Tám này, nhưng đã đẩy nhanh kế hoạch của mình sau khi IS mở rộng chiến dịch tiến về thủ phủ khu vực người Kurd đang sinh sống, đe dọa sát hại hàng nghìn người tị nạn thuộc nhóm sắc tộc thiểu số Yazidi ở miền Bắc Iraq.
[Hé lộ năm sự thật bí hiểm về tổ chức "Nhà nước Hồi giáo"]
Trước đó, ngày 8/8, Hội đồng Bảo an đã lần đầu tiên thảo luận về dự thảo nghị quyết nói trên. Văn bản này dựa trên cơ sở pháp lý tại Chương 7 của Hiến chương Liên hợp quốc. Theo đó, cho phép Hội đồng Bảo an được ra quyết định trừng phạt các thủ lĩnh của nhóm phiến quân này, như phong tỏa tài sản và cấm đi lại.
15 nước thành viên của Hội đồng Bảo an đã lên án những cuộc tấn công gần đây của IS ở Iraq, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp đỡ quốc gia Trung Đông này đối phó với cuộc khủng hoảng nhân đạo tại khu vực.
IS đang kiểm soát 1/3 lãnh thổ Syria và đã chiếm giữ nhiều khu vực rộng lớn ở miền Bắc Iraq kể từ tháng Sáu vừa qua đồng thời đã tuyên bố thành lập một vương quốc Hồi giáo.
Cũng trong ngày 9/8, Mỹ tiếp tục các cuộc không kích nhằm vào phiến quân Hồi giáo ở Iraq. Các máy bay chiến đấu và máy bay không người lái của nước này đã thực hiện thêm 4 cuộc không kích nữa nhằm vào phiến quân IS ở Iraq, phá hủy các xe bọc thép và một xe tải đang bắn vào dân thường.
Theo Bộ chỉ huy Trung tâm Mỹ, các cuộc tấn công được tiến hành riêng rẽ. Ba cuộc diễn ra trước buổi trưa ngày 9/8 (giờ Mỹ) và một cuộc vào khoảng 3 giờ chiều. Các dấu hiệu cho thấy những cuộc oanh kích đã thành công trong việc phá hủy các xe bọc thép. Đây là đợt không kích thứ 3 của quân đội Mỹ nhằm vào các lực lượng của IS kể từ khi Tổng thống Barack Obama phê chuẩn biện pháp này.
Cả Anh và Pháp đều lên tiếng ủng hộ chiến dịch không kích được coi là "cần thiết" của Mỹ nhằm vào nhóm phiến quân nói trên. Thủ tướng Anh David Cameron và Tổng thống Pháp Francois Hollande trong cuộc điện đàm với Tổng thống Obama đều khẳng định hai nước này sẽ cùng Washington cung cấp sự hỗ trợ nhân đạo cho người dân Iraq./.