Hội đồng Liên minh châu Âu siết chặt trừng phạt Triều Tiên

Theo EU ngày 26/2, hội đồng này tăng cường các biện pháp hạn chế nhằm vào Triều Tiên liên quan đến chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng, phù hợp với nghị quyết mới nhất của HĐBA LHQ.
Hội đồng Liên minh châu Âu siết chặt trừng phạt Triều Tiên ảnh 1Một phiên họp của Hội đồng Liên minh châu Âu. (Nguồn: Council of the European Union)

Cơ quan báo chí của Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) thông báo ngày 26/2, hội đồng này đã tăng cường các biện pháp hạn chế nhằm vào Triều Tiên liên quan đến chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng, phù hợp với nghị quyết mới nhất của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Thông báo nêu rõ: "Hội đồng đã gia tăng các biện pháp hạn chế nhằm vào Triều Tiên bằng cách hoàn tất việc chuyển các biện pháp được áp đặt theo nghị quyết 2397 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thành luật EU."

[Mỹ sẽ tiếp tục chiến dịch gây sức ép tối đa đối với Triều Tiên]

Nghị quyết trên đã được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua ngày 22/12/2017, sau khi Triều Tiên bắn thử tên lửa đạn đạo liên lục địa ngày 29/11/2017 mà theo Bình Nhưỡng tuyên bố là "có thể đặt toàn bộ vùng đại lục nước Mỹ vào tầm ngắm."

Nghị quyết mới cấm gần 90% các sản phẩm dầu mỏ tinh chế xuất khẩu sang Triều Tiên bằng việc đặt ra một mức trần 500.000 thùng/năm, đồng thời yêu cầu cho hồi hương các lao động Triều Tiên ở nước ngoài trong vòng 12 tháng.

Giới phân tích cho rằng các biện pháp trừng phạt tăng cường này có thể tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế Triều Tiên, bởi lẽ nếu được thực thi nghiêm túc, lệnh hạn chế xuất khẩu dầu mỏ sẽ là thảm họa đối với ngành công nghiệp Triều Tiên, trong khi việc buộc hồi hương lao động Triều Tiên ở nước ngoài sẽ cắt đứt nguồn ngoại tệ vốn mang ý nghĩa rất quan trọng với nước này.

Động thái trên của EU được đưa ra vài ngày sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo áp đặt các biện pháp mà Washington cho là mạnh nhất từ trước đến nay đối với Triều Tiên, nhằm vào 27 công ty thương mại và vận tải đường biển, 28 tàu thuyền và một cá nhân bị tình nghi giúp Triều Tiên "lách" các biện pháp trừng phạt hiện hành.

Những công ty và thực thể này có đăng ký hoặc đóng trụ sở tại những nước như Triều Tiên, Trung Quốc, Singaporre, Tanzania và Panama.

Tài sản và lợi ích của các công ty và thực thể này cũng bị phong tỏa trên lãnh thổ Mỹ hoặc trong quyền kiểm soát quốc gia của Mỹ.

Phát biểu tại một cuộc họp báo sau đó, Tổng thống Trump cảnh báo nếu biện pháp này không hiệu quả, Mỹ sẽ chuyển sang "giai đoạn hai" có thể sẽ "rất, rất đáng tiếc cho thế giới"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.