Hội đồng Văn hóa châu Á chính thức ra mắt tại Campuchia

Tối 15/1, tại khu quần thể di sản thế giới Angkor Wat, thành phố Siem Reap, tỉnh Siem Reap, Vương quốc Campuchia, đã diễn ra lễ ra mắt Hội đồng Văn hóa châu Á.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm trong Lễ ra mắt ACC. (Nguồn: Trọng Đức/TTXVN)

Tối 15/1, tại khu quần thể di sản thế giới Angkor Wat, thành phố Siem Reap, tỉnh Siem Reap, Vương quốc Campuchia, đã diễn ra lễ ra mắt Hội đồng Văn hóa châu Á.

Theo phóng viên TTXVN tại Campuchia, buổi lễ ra mắt đầy màu sắc được tổ chức dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Techo Hun Sen, cùng với sự tham dự của các đại biểu đến từ 20 quốc gia châu Á, một số tổ chức của châu Phi, châu Mỹ và châu Âu. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng tham dự buổi lễ này nhân dịp tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 27 Diễn đàn châu Á–Thái Bình Dương (APPF–27).

Trước đó, sáng cùng ngày, dưới sự chủ trì của nước chủ nhà Campuchia, Hội đồng Văn hóa châu Á đã tiến hành phiên họp đầu tiên thảo luận về 4 chủ đề: tuyên ngôn toàn cầu về bản sắc châu Á; sự kết nối giữa văn hóa và phát triển bền vững; sử dụng công nghệ cho sự gắn kết các nền văn minh và xây dựng một cộng đồng cho một mục tiêu ở châu Á.

[Hà Nội triển khai xây dựng hệ thống du lịch thông minh trong năm 2019]

Hội đồng đã thành lập một Ban Thư ký và bầu Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen là Chủ tịch sáng lập danh dự; bà Khuon Sodary, Phó Chủ tịch thứ hai Quốc hội Campuchia, làm Chủ tịch và ông Suos Yara, Phát ngôn viên của đảng Nhân dân Campuchia (CPP), làm Tổng Giám đốc.

Hội đồng Văn hóa châu Á là một tổ chức thành viên của Diễn đàn Quốc tế các đảng chính trị châu Á. Sáng kiến thành lập Hội đồng Văn hóa châu Á do Campuchia cùng với các nước Trung Quốc, Nepal và Nga khởi xướng tại phiên họp lần thứ 28 của Ủy ban thường vụ ICAPP vào tháng 7/ 2017.

Hội đồng Văn hóa châu Á được thành lập với mục tiêu hướng đến thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau, trao đổi văn hóa giữa các quốc gia thành viên, nâng cao tình đoàn kết trong tính đa dạng, thúc đẩy di sản văn hóa như một nguồn phát triển bền vững, hợp tác quốc tế, liên kết các nền văn minh và xây dựng một châu Á thịnh vượng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục