Hội nghị G7: Vai trò của Nhật Bản trong giải quyết thách thức toàn cầu

Hội nghị Thượng đỉnh G7 mang đến cơ hội quý giá để Nhật Bản thực hiện vai trò lãnh đạo toàn cầu, cũng là thách thức với nỗ lực chứng tỏ vai trò của Tokyo đóng góp vào hòa bình, ổn định của thế giới.
Hội nghị G7: Vai trò của Nhật Bản trong giải quyết thách thức toàn cầu ảnh 1Panô Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng và Môi trường của G7 tại Sapporo, Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) diễn ra tại Hiroshima (Nhật Bản) từ ngày 19-21/5 trong bối cảnh thế giới đối mặt với những biến động phức tạp và khó lường.

Giới chuyên gia cho rằng để giải quyết được những cuộc khủng hoảng hiện nay, G7 cần phải đạt được nhận thức chung trong một loạt vấn đề.

Một trong những ưu tiên hàng đầu của Nhật Bản là truyền tải thông điệp “xây dựng một thế giới không có vũ khí hạt nhân."

Theo Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, cần có các nỗ lực chính trị và ngoại giao để hiện thực hóa thông điệp này.

Ông nhấn mạnh nền tảng của các nỗ lực chung là sự tin tưởng lẫn nhau và nền tảng của quan hệ tin cậy là sự minh bạch của các quốc gia đang sở hữu vũ khí hạt nhân.

Trong bài phỏng vấn đài truyền hình NHK, Thủ tướng Kishida cho biết Hiroshima, nơi từng gánh chịu thảm họa bom nguyên tử năm 1945, là địa điểm phù hợp, có ý nghĩa để các nhà lãnh đạo G7 thảo luận về giải trừ vũ khí hạt nhân.

Tong Zhao, chuyên gia về chính sách vũ khí hạt nhân của Quỹ Carnegie vì Hòa bình quốc tế, nhận định rằng một tuyên bố chung về vũ khí hạt nhân sẽ hỗ trợ tăng cường sự tin cậy, đồng thời tạo sức ép quốc tế cần thiết với các nước muốn theo đuổi tăng cường vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, theo chuyên gia, dù tuyên bố chung của G7 sẽ thể hiện sự đoàn kết trong việc giải trừ vũ khí hạt nhân, nhưng khó có thể đem lại hiệu quả thực chất.

Báo Japan Times trong bài bình luận ngày 17/5 cho rằng với tư cách là thành viên duy nhất của G7 tại châu Á, Nhật Bản là đại diện cho tiếng nói của châu lục tại diễn đàn này.

Đây là một nhiệm vụ quan trọng của Nhật Bản trên cương vị chủ tịch đương nhiệm G7, trong bối cảnh các nước phương Tây ngày càng quan tâm đến châu Á cũng như sự gắn kết chặt chẽ của châu Á với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Thủ tướng Kishida nhấn mạnh các nỗ lực đơn phương làm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực đang diễn ra ở khu vực biển Hoa Đông và Biển Đông, vì vậy Đông Á đang ở trong một môi trường an ninh phức tạp và nghiêm trọng.

Giáo sư Go Ito, chuyên ngành Quan hệ Quốc tế, Khoa học Chính trị, Đại học Meiji, cho rằng các nước G7 sẽ bày tỏ phản đối việc sử dụng vũ lực quân sự thay đổi hiện trạng.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách Đông Á tại Viện Nghiên cứu Brookings, Mireya Solís, bình luận rằng tập trung chính sách đối ngoại để thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở là “đại chiến lược của Nhật Bản."

Ngoài ra, sự hiện diện mạnh mẽ của Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực được đánh giá là thách thức và quan ngại song cũng là yếu tố tích cực đối với các nước G7. Chính vì vậy, đối thoại và hợp tác với Trung Quốc trong những vấn đề như chống biến đổi khí hậu, là điều cần thiết.

Thủ tướng Nhật Bản thừa nhận mỗi nước G7 có vị trí địa chính trị khác nhau nên quan điểm trong xử lý quan hệ với Trung Quốc cũng có khác biệt, tuy nhiên Nhật Bản đã và đang nỗ lực để đạt được thống nhất.

Giới chuyên gia dự đoán G7 sẽ gửi đến Trung Quốc thông điệp chung, trong đó bày tỏ mong muốn Trung Quốc thực hiện trách nhiệm của mình với tư cách là thành viên của cộng đồng quốc tế.

Khủng hoảng Nga-Ukraine cũng là một chủ đề lớn. Tuyên bố chung của G7 sẽ bày tỏ quan điểm về việc chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine và cam kết sẽ nỗ lực hết sức để khôi phục hòa bình tại khu vực này.

Nghiên cứu viên cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS), bà Maria Snegovaya, đánh giá Nga đã chứng tỏ được khả năng thích ứng với các biện pháp trừng phạt của phương Tây, trong khi xung đột dự kiến kéo dài.

Chính vì vậy, chắc chắn các cuộc thảo luận tại Hiroshima sẽ đề cập đến cam kết hỗ trợ Ukraine và cách biện pháp tiếp theo đối với Nga.

[G7 cam kết hành động đảm bảo ổn định hệ thống tài chính]

Bên cạnh những vấn đề an ninh, Hội nghị Thượng đỉnh G7 dự kiến sẽ thảo luận về năng lượng sạch, biến đổi khí hậu, y tế toàn cầu, trí tuệ nhân tạo (AI) và tăng cường hợp tác đa phương… để thúc đẩy phục hồi kinh tế hậu đại dịch.

Việc một số ngân hàng của Mỹ sụp đổ trong thời gian gần đây cho thấy sự bất ổn của nền kinh tế. Tổng thống Joe Biden đến Hiroshima trong khi Mỹ đang cận kề nguy cơ vỡ nợ nếu không đạt được thỏa thuận nâng trần nợ công. Kịch bản vỡ nợ nếu xảy ra sẽ châm ngòi cho một cuộc suy thoái toàn cầu.

Hội nghị G7: Vai trò của Nhật Bản trong giải quyết thách thức toàn cầu ảnh 2Cuộc họp của Các bộ trưởng tài chính của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại Niigata, Nhật Bản, ngày 11/5/2023. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Tuy nhiên, G7 lưu ý rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang kiên cường hơn dự kiến mặc dù lạm phát vẫn tăng cao. Các ngân hàng trung ương quyết tâm kiềm chế giá cả và Tổng thống Biden dự kiến sẽ quay về Mỹ ngay sau khi kết thúc G7 để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công.

Ngoài vấn đề lạm phát và nguy cơ suy thoái, nền kinh tế toàn cầu vẫn đối mặt với những rào cản không thể vượt qua nếu các nước không hợp tác lành mạnh về thương mại và đầu tư.

Bộ trưởng Kinh tế, Công nghiệp và Thương mại Nhật Bản (METI), ông Nishimura Yasutoshi, nhấn mạnh phải xây dựng một thế giới nơi “các quốc gia xích lại gần nhau dựa trên lòng tin và tăng cường hợp tác dưới ngọn cờ thương mại tự do, không sa vào chủ nghĩa bảo hộ."

Đối với biến đổi khí hậu, Nhật Bản đang tìm cách thúc đẩy chuyển đổi xanh, hướng tới việc tạo ra những thay đổi mang tính đột phá với mục tiêu không để nỗ lực cắt giảm phát thải và tăng trưởng kinh tế rơi vào mối quan hệ đánh đổi.

Nội dung thảo luận về biến đổi khí hậu có thể sẽ là đề xuất của Nhật Bản về việc thực hiện quá trình trung hòa carbon theo cách hoàn toàn tương thích với việc đảm bảo cung cấp năng lượng ổn định, dựa trên những lộ trình thực tế và đa dạng đáp ứng nhu cầu của từng quốc gia.

Nhật Bản dự kiến cũng sẽ đề cập đến AI, đặc biệt trong bối cảnh lĩnh vực AI đang phát triển mạnh mẽ, trong đó có sự xuất hiện của ứng dụng ChatGPT.

Giáo sư Go Ito nhận định sự phát triển của AI mặc dù rất tiện lợi, nhưng nếu không có quy định rõ ràng về luật thì sẽ xảy ra tình trạng dễ dàng sử dụng tài sản trí tuệ của người khác.

Hội nghị G7: Vai trò của Nhật Bản trong giải quyết thách thức toàn cầu ảnh 3Toàn cảnh hội nghị Bộ trưởng khoa học và công nghệ G7 tại Sendai, Nhật Bản, ngày 12/5/2023. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Giáo sư Go Ito dự đoán cho dù có thể chưa đưa ra luật cụ thể ngay, nhưng Hội nghị Thượng đỉnh G7 sẽ xác nhận tầm quan trọng của việc xây dựng luật liên quan tới các công nghệ hiện đại.

Trong nỗ lực thúc đẩy sự phục hồi kinh tế hậu đại dịch, Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ thảo luận về tăng cường hợp tác giữa nhóm G7 với các nước mới nổi và đang phát triển.

Theo nhận định của giới chuyên gia, đây là các quốc gia có nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, nguồn nhân lực dồi dào, có tiềm năng phát triển kinh tế, đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc giúp G7 khắc phục khủng hoảng giá cả, năng lượng, lương thực hay gián đoạn chuỗi cung ứng.

Nhật Bản đã mời các nhà lãnh đạo của 8 nước ngoài G7 gồm Việt Nam, Australia, Ấn Độ, Indonesia, Brazil, Quần đảo Cook, Comoros và Hàn Quốc tham dự hội nghị mở rộng của nhóm.

Giáo sư Go Ito bình luận Hội nghị Thượng đỉnh G7 lần này là cơ hội để thảo luận vấn đề hợp tác với các nước đang phát triển và mới nổi. Tokyo hy vọng các thảo luận này sẽ chứng tỏ G7 ngày càng tập trung vào hợp tác.

Ông Suzuki Hitoshi, nghiên cứu viên cấp cao thuộc Viện nghiên cứu Địa kinh tế, cho rằng Hội nghị Thượng đỉnh G7 mang đến cơ hội quý giá để Nhật Bản thực hiện vai trò lãnh đạo toàn cầu, song cũng là thách thức đối với nỗ lực chứng tỏ vai trò của Nhật Bản trong việc đóng góp thực tế vào hòa bình và ổn định của thế giới.

Với vị thế và tầm ảnh hưởng của mình, G7 không nên chỉ là khuôn khổ hợp tác vì lợi ích của các nước thành viên. Thay vào đó, đây phải là một diễn đàn vì lợi ích của toàn thế giới, giúp thúc đẩy cộng đồng quốc tế cùng phối hợp, xây dựng một con đường tiến lên phía trước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.