Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30: Nâng tầm đối ngoại đa phương

Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 diễn ra tại Hà Nội từ ngày 13-17/8/2018, đánh dấu sự trưởng thành và phát triển của ngành Ngoại giao 73 năm qua, đặc biệt đối ngoại đa phương được nâng tầm.
Toàn cảnh hội nghị ngoại giao lần thứ 30. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 diễn ra tại Hà Nội từ ngày 13-17/8/2018, đánh dấu sự trưởng thành và phát triển của ngành Ngoại giao 73 năm qua, đặc biệt đối ngoại đa phương được nâng tầm, Việt Nam tham gia ngày càng tích cực vào quá trình xây dựng, định hình, dẫn dắt các thể chế đa phương ở khu vực, mà đỉnh cao là việc tổ chức thành công Năm APEC 2017, qua đó thúc đẩy lợi ích và nâng cao vị thế của đất nước.

Phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị đã nhấn mạnh, phát huy tối đa mọi yếu tố thuận lợi của đất nước để chủ động, tích cực tham gia đóng góp, xây dựng, định hình các cơ chế đa phương, thực hiện Chỉ thị số 25 của Ban Bí thư về nâng tầm công tác đối ngoại đa phương, coi đó là một định hướng chiến lược quan trọng, trong đó có việc xây dựng Chiến lược tổng thể về đối ngoại đa phương đến năm 2030.

Chuyển từ chủ động sang tham gia tích cực

Trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 đã có phiên họp toàn thể về đối ngoại đa phương với chủ đề “Đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng”. Phiên họp đã quán triệt và thống nhất nhận thức về Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 8/8/2018 của Ban Bí thư về việc đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, đồng thời nhất trí về ý nghĩa quan trọng của việc ban hành Chỉ thị số 25-CT/TW vào thời điểm này. Chỉ thị sẽ là kim chỉ nam cho hoạt động đối ngoại đa phương trong hơn 10 năm tới trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, văn hóa, xã hội, môi trường, giáo dục-đào tạo, khoa học- công nghệ...

Chia sẻ về những thành tựu nổi bật trong hoạt động đối ngoại đa phương của Việt Nam kể từ Hội nghị Ngoại giao 29 đến nay, bên lề Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30, Đại sứ Dương Chí Dũng, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, Thụy Sĩ, cho biết từ năm 2016 đến nay, điều dễ nhận thấy là Việt Nam đã và đang dần chuyển từ việc chủ động tham gia các hoạt động đối ngoại đa phương trên thế giới, sang giai đoạn tham gia tích cực vào quá trình xây dựng, định hình, dẫn dắt các thể chế đa phương ở khu vực, liên khu vực và toàn cầu. Kết quả nổi bật nhất là tổ chức thành công Năm APEC 2017 với những đóng góp quan trọng mang dấu ấn Việt Nam, qua đó thúc đẩy lợi ích và nâng cao vai trò, vị thế của đất nước.

[Infographics] Hội nghị Ngoại giao lần 30 sẽ tập trung 4 trọng tâm lớn

Đáng chú ý, những đóng góp tích cực và đề xuất của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam gần đây tại các diễn đàn đa phương đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu đề xuất về việc ngăn ngừa xả rác thải nhựa, hướng tới mục tiêu các đại dương xanh, sạch và không còn rác thải nhựa tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng diễn ra tháng 6 vừa qua ở Quebec (Canada); hay như đề xuất về giải pháp cho vấn đề di cư quốc tế của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 138 (IPU-138) ở Geneve, Thụy Sĩ…

Việt Nam cũng đã chủ động, tích cực đóng góp và tạo dấu ấn trong các công việc chung khi là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Hội đồng Chấp hành Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Hội đồng Chấp hành Liên minh Nghị viện thế giới, Hội đồng Kinh tế-Xã hội Liên hợp quốc… Đáng chú ý, trong Khóa họp thường kỳ lần thứ 38 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (tháng 7/2018, tại Geneva), lần đầu tiên Việt Nam đã chủ trì soạn thảo Nghị quyết về Biến đổi khí hậu và quyền con người. Theo sáng kiến của Việt Nam, Nghị quyết này tập trung vào tác động của biến đổi khí hậu đối với quyền của phụ nữ. Nghị quyết có khoảng 50 nước đồng bảo trợ và được thông qua bằng đồng thuận.

Trước đó, cuối năm 2016, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao là người Việt Nam đầu tiên trở thành thành viên của Ủy ban Luật pháp Quốc tế (ILC) - cơ quan tư vấn, chịu trách nhiệm xây dựng các văn bản luật pháp quốc tế của Liên hợp quốc trên cơ sở những đóng góp từ các thành viên. Mới đây, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao đã được bầu làm Phó Chủ tịch thứ hai của Khóa họp lần thứ 70 của Ủy ban này.

“Năm 2017, tôi vinh dự được bầu làm Chủ tịch Đại hội đồng Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) nhiệm kỳ 2018-2019, và được đóng góp vào việc hoạch định quyết sách của Tổ chức trong hai năm. Ngoài ra, còn phải kể đến những nỗ lực thường xuyên của chúng ta trong đàm phán, đóng góp ý kiến vào các văn kiện quốc tế quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hàng ngày, hàng giờ của thế giới tại các diễn đàn và tổ chức đa phương khác,” Đại sứ Dương Chí Dũng nói.

Tâm thế vững vàng của đối ngoại đa phương

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, công việc trọng tâm thời gian tới là triển khai và phát huy các kết quả quan trọng của Năm APEC Việt Nam 2017, nhất là phối hợp với các đối tác thực hiện các sáng kiến Việt Nam đưa ra và đã được APEC thông qua. Cần thể hiện vai trò xứng đáng trong quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN và củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc an ninh khu vực, chuẩn bị các điều kiện để hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2020.

Việt Nam tiếp tục tham gia tích cực trong khuôn khổ hoạt động của Liên hợp quốc, nhất là trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; đẩy mạnh vận động các nước ủng hộ Việt Nam ứng cử làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và hoàn thành tốt trọng trách này.

[Hội nghị Ngoại giao: Phiên họp toàn thể về đối ngoại đa phương]

Đánh giá về quan hệ giữa Việt Nam với Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva trong những năm gần đây, Đại sứ Dương Chí Dũng nhấn mạnh, trong bối cảnh chính trị quốc tế diễn biến nhanh, xu hướng dân túy, cực đoan và giảm cam kết đa phương đi ngược lại với yêu cầu tăng cường các nỗ lực hợp tác để đối phó những vấn đề toàn cầu, Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ trương đối thoại tích cực, xây dựng, không chính trị hóa; đóng góp vào việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người; tôn trọng các thể chế đa phương và luật pháp quốc tế, đặc biệt là Liên hợp quốc và Tổ chức Thương mại thế giới.

Là nước đang phát triển năng động, Việt Nam đã và đang đóng góp tích cực vào việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs); thúc đẩy tự do hóa thương mại; mong muốn xây dựng một nền kinh tế tri thức, sẵn sàng học hỏi, đổi mới sáng tạo. Hiện nay, Việt Nam không còn là nước thuần túy nhận hỗ trợ kỹ thuật, mà đã bắt đầu chia sẻ kinh nghiệm, đóng góp vào việc xây dựng khuyến nghị, chính sách, thậm chí đi tiên phong trong những mô hình hợp tác mới với các tổ chức quốc tế, từ đó mở rộng ra thế giới, như mô hình Một Liên hợp quốc tại Việt Nam hay Thỏa thuận hợp tác Việt Nam-Diễn đàn Kinh tế thế giới…

Nguyên Đại sứ, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc Nguyễn Phương Nga cho rằng, trong bối cảnh hợp tác đa phương có vai trò ngày càng quan trọng, đối ngoại đa phương nói chung và tại Liên hợp quốc nói riêng đã và đang tiếp tục là một mũi nhọn triển khai chính sách đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Mọi người thường nói rằng, sau mỗi đỉnh cao sẽ rất khó khăn để đạt được những đỉnh cao tiếp theo. Nhưng với đà trưởng thành lớn mạnh của ngoại giao Việt Nam hiện nay, Việt Nam sẽ tạo được những điểm nhấn mới.

“Tôi mong muốn trong thời gian tới, chúng ta sẽ tạo được những mốc son mới trong bức tranh đối ngoại Việt Nam, trước hết đó là: Thành công trong cuộc bầu cử do Đại hội đồng Liên hợp quốc tổ chức vào tháng 6/2019 và đảm nhiệm tốt cương vị thành viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021; Đảm nhiệm xuất sắc cương vị Chủ tịch ASEAN 2020; đề xuất và tham gia những sáng kiến mới phát huy vai trò của ngoại giao phục vụ phát triển, góp phần thu hút, huy động nguồn lực vốn, công nghệ, tri thức từ bên ngoài phục vụ xây dựng đất nước, cũng như chia sẻ kinh nghiệm phát triển của Việt Nam, góp phần thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc, không để ai tụt lại phía sau,” Đại sứ Nguyễn Phương Nga chia sẻ.

Đại sứ Nguyễn Phương Nga tin tưởng, Việt Nam sẽ thành công và đây sẽ là những đóng góp mới của Việt Nam vào việc giữ vững môi trường quốc tế hòa bình, thuận lợi cho phát triển bền vững, thúc đẩy việc tuân thủ luật pháp quốc tế và chủ nghĩa đa phương, đồng thời tiếp tục nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục