Chiều 25/11, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị sơ kết thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008.
Kết quả sau bốn năm triển khai thực hiện Luật Quốc tịch (Luật có hiệu lực ngày 1/7/2009) tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và hơn 100 Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cho thấy nhận thức của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức kinh tế và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, vai trò của quốc tịch Việt Nam được nâng lên rõ rệt.
Việc xác định quốc tịch, giải quyết các vấn đề về quốc tịch Việt Nam tại các cơ quan nhà nước về cơ bản đi vào nền nếp. Trình tự, thủ tục giải quyết các việc về quốc tịch Việt Nam được thực hiện bài bản, đảm bảo chặt chẽ, thuận lợi cho người dân.
Nhu cầu giải quyết các việc về quốc tịch Việt Nam của công dân trong và ngoài nước được thực hiện kịp thời và hiệu quả, ngày càng tạo thuận lợi cho người dân.
Đặc biệt, việc giải quyết nhập quốc tịch Việt Nam cho những người không quốc tịch cư trú ổn định tại Việt Nam từ 20 năm trở lên đã góp phần tích cực vào việc hạn chế tình trạng không quốc tịch ở Việt Nam.
Bên cạnh nhiều điểm tích cực, việc thực hiện Luật còn tồn tại một số hạn chế, đó là một số quy định của Luật Quốc tịch cũng như Nghị định 78 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam chưa hoàn toàn thích ứng với chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế.
Nhiều quy định tính khả thi chưa cao, có điểm chưa thống nhất, thiếu sót đã tạo ra những cách hiểu, áp dụng còn khác nhau.
Một số điểm hướng dẫn trong các thông tư, Thông tư liên tịch còn khiên cưỡng, chưa rõ ràng, cụ thể, gây khó khăn, phức tạp cho các cơ quan thực hiện và cho cá nhân khi có nhu cầu giải quyết các việc về quốc tịch.
Tại Hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng những khó khăn, hạn chế này là do vướng mắc từ công tác tổ chức triển khai thi hành Luật, trong đó có nguyên nhân từ văn bản hướng dẫn thi hành Luật chưa đầy đủ, cụ thể.
Để khắc phục những hạn chế, vướng mắc, các đại biểu đề nghị trước hết cần sửa đổi, bổ sung Nghị định 78 cũng như sửa đổi, bổ sung một số Thông tư hướng dẫn chi tiết thi hành. Trong đó, tập trung vào việc tháo gỡ những khó khăn, ách tắc do thực tiễn đặt ra như hướng dẫn chi tiết hơn các điều kiện xin nhập quốc tịch Việt Nam; mở rộng các tiêu chí, căn cứ, cơ sở, khả năng để xác định quốc tịch Việt Nam, nhất là đối với người di cư tự do về Việt Nam, không có giấy tờ tùy thân, nguy cơ rơi vào tình trạng không quốc tịch.
Hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam cần được hướng dẫn chi tiết, rõ ràng hơn; quy định cụ thể hơn đối với những trường hợp đặc biệt được phép giữ quốc tịch nước ngoài khi xin nhập, xin trở lại quốc tịch Việt Nam; quy định cụ thể, rõ ràng hơn các vấn đề về lệ phí quốc tịch…
Nhiều ý kiến cũng đề nghị tăng cường công tác phối, kết hợp liên ngành nhằm triển khai thực hiện tốt hơn nữa công tác quốc tịch, nhất là đối với người di cư tự do từ các nước về Việt Nam, phù hợp với tình hình quan hệ giữa Việt Nam với các nước hữu quan…
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đánh giá công tác triển khai thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực trên nhiều mặt.
Việc tuyên truyền, phổ biến Luật đã giúp nâng cao nhận thức của cơ quan và người dân. Trình tự, thủ tục đã được đơn giản hóa, đáp ứng được yêu cầu của người dân... Đặc biệt, việc tạo điều kiện giải quyết nhập quốc tịch Việt Nam cho những người không quốc tịch cư trú ổn định tại Việt Nam từ 20 năm trở lên đã giải quyết nhiều vấn đề tồn đọng do lịch sử để lại…
Thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đề nghị qua quá trình thực thi Luật, rà soát, xem xét những quy định nào còn bất cập, gây cách hiểu không thống nhất cần được sửa đổi, bổ sung kịp thời; tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa bộ, ngành, địa phương trong việc giải quyết các việc về quốc tịch…
Các đại biểu dự Hội nghị đã thảo luận về công tác quốc tịch và tình hình đăng ký giữa quốc tịch Việt Nam của người Việt Nam định cư ở người ngoài; về tình hình xác minh quốc tịch; công tác quốc tịch khu vực biên giới…/.