Hội nghị thượng đỉnh SCO ra tuyên bố chung Bishkek

Hội nghị thượng đỉnh SCO đã ra tuyên bố chung Bishkek, trong đó cảnh báo các nước đơn phương củng cố các hệ thống phòng thủ tên lửa đe dọa an ninh quốc tế và gây bất ổn toàn cầu.
Nguyên thủ quốc gia các nước thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) chụp ảnh chung tại phiên khai mạc Hội nghị thượng đỉnh SCO ở Bishkek ngày 14/6/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nguyên thủ quốc gia các nước thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) chụp ảnh chung tại phiên khai mạc Hội nghị thượng đỉnh SCO ở Bishkek ngày 14/6/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 14/6, Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) đã ra tuyên bố chung Bishkek trong đó có nội dung cảnh báo việc các nước đơn phương củng cố các hệ thống phòng thủ tên lửa đe dọa an ninh quốc tế và gây bất ổn toàn cầu.

Tuyên bố được đăng tải trên trang web của Điện Kremlin nêu rõ: "Các nước thành viên tái khẳng định việc các nước riêng lẻ hoặc nhóm các nước củng cố hệ thống phòng thủ một cách đơn phương và quá mức, đã gây hại cho an ninh quốc tế cũng như làm bất ổn tình hình thế giới."

Động thái này bị cho là âm mưu đánh đổi an ninh của các nước khác để đảm bảo an ninh của chính mình. Trong tuyên bố chung, lãnh đạo các nước SCO còn khẳng định lập trường ủng hộ cách duy nhất để giải quyết tình hình ở Syria là thông qua đối thoại, dựa trên việc đảm bảo chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia Trung Đông này.

Cũng theo tuyên bố chung, lãnh đạo các nước SCO chỉ trích hành động can thiệp không thể chấp nhận được vào công việc nội bộ của các nước khác với cái cớ đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan.

[Lãnh đạo Ấn Độ-Trung Quốc hội đàm bên lề SCO tại Kyrgyzstan]

Tuyên bố có đoạn nêu rõ các nước thành viên SCO nhấn mạnh phản đối hoạt động khủng bố và cực đoan, đồng thời đề cao tầm quan trọng của việc thực hiện các biện pháp toàn diện nhằm tăng cường các nỗ lực chống khủng bố và ý thức hệ của chủ nghĩa khủng bố, cũng như quyết tâm và loại trừ các nhân tố, điều kiện thúc đẩy chủ nghĩa khủng bố và cực đoan.

Tuy nhiên, các nước SCO lưu ý việc can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác với danh nghĩa là đấu tranh chống khủng bố và cực đoan cũng như lợi dụng các nhóm khủng bố, cực đoan và cấp tiến để đạt được mục đích cá nhân, là không thể chấp nhận được. Tuyên bố còn cho hay, các nước thành viên SCO sẽ tiếp tục hợp tác quốc phòng và an ninh, và sẽ tiếp tục tiến hành diễn tập chống khủng bố chung đều đặn.

Hội nghị thượng đỉnh SCO lần này diễn ra tại thủ đô Bishkek của Kyrgystan. Tham dự hội nghị lần này có nguyên thủ quốc gia của các nước thành viên gồm Ấn Độ, Kazakhstan, Kyrgystan, Trung Quốc, Pakistan, Nga, Tajikistan và Uzbekistan. Các nước quan sát viên gồm Afghanistan, Belarus, Iran và Mông Cổ.

Bên cạnh việc ra Tuyên bố chung Bishkek, các bên tham gia cũng ký nhiều văn kiện như thỏa thuận liên chính phủ về hợp tác trong lĩnh vực truyền thông đại chúng, quan điểm hợp tác trong lĩnh vực số hóa và công nghệ thông tin - viễn thông, lộ trình hành động của Nhóm tiếp xúc SCO - Afghanistan, bản ghi nhớ với Tổ chức du lịch thế giới, bản ghi nhớ với Cơ quan điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc và Tổ chức Lương - Nông LHQ (FAO)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.