Hội thảo khoa học “Hợp tác Việt Nam-Trung Quốc giai đoạn mới”

Học giả hai nước Việt Nam và Trung Quốc đã cùng trao đổi về hợp tác thương mại, đầu tư, củng cố và tăng cường lòng tin, chủ quyền, nhận định về hợp tác Vịnh Bắc Bộ mở rộng trong quan hệ Việt-Trung.
Hội thảo khoa học “Hợp tác Việt Nam-Trung Quốc giai đoạn mới” ảnh 1Ký thỏa thuận quy chế phối hợp quản lý lao động biên giới giữa UBND tỉnh Hà Giang (Việt Nam) và Chính phủ nhân dân Châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. (Ảnh: Minh Tâm/TTXVN)

Kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Trung Quốc (1950-2015), ngày 27/3, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Hợp tác Việt Nam-Trung Quốc giai đoạn mới”.

Học giả hai nước Việt Nam và Trung Quốc tham dự Hội thảo đã cùng trao đổi về hợp tác thương mại, đầu tư, củng cố và tăng cường lòng tin, chủ quyền, nhận định về hợp tác Vịnh Bắc Bộ mở rộng trong quan hệ Việt-Trung…

Các học giả cũng đề xuất và kiến nghị về hợp tác nghiên cứu một số vấn đề lý luận cấp bách giữa hai nước.

Giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Quang Thuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc cho rằng, bước sang thập niên thứ hai của thế kỷ 21, tận dụng các điều kiện thuận lợi, phát huy các lợi thế thúc đẩy hợp tác, quan hệ Việt-Trung đã đạt được những thành quả nhất định, nhưng đến nay cũng đang nảy sinh một số vấn đề.

Sự thay đổi của môi trường quốc tế, khu vực, sự thay đổi của mỗi nước, thành quả và khó khăn của quá trình phát triển quan hệ song phương đang đặt ra yêu cầu mới, nhiệm vụ mới cần giải quyết để quan hệ Việt-Trung tiếp tục phát triển trong giai đoạn mới.

Vì vậy, cùng với việc thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn, hai bên cần phải củng cố lòng tin, trao đổi thẳng thắn để giải quyết các bất đồng, đặc biệt vấn đề trên biển, không để ảnh hưởng tới quan hệ hợp tác giữa hai nước, cũng như hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn ở khu vực và thế giới.

Theo bà Hy Tuệ, Tham tán Công sứ Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, Đảng và Chính phủ Trung Quốc luôn coi trọng mối tình hữu nghị truyền thống Trung-Việt. Với sự nỗ lực chung của cả hai bên, quan hệ hai nước đang phát triển theo xu thế lành mạnh.

Hiện các bộ, ngành hữu quan hai nước đang tích cực quy hoạch và thực hiện công tác quan trọng cả năm, nhằm củng cố và tăng cường phát triển tốt lành cho quan hệ hai nước, thúc đẩy quan hệ song phương giành được tiến triển mới trong giai đoạn mới.

Giáo sư Chu Chấn Minh, Viện Khoa học xã hội tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, cho rằng quan hệ Trung-Việt trong 65 năm kể từ ngày thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay tuy có thăng trầm, nhưng đại cục hợp tác hữu nghị không thay đổi.

Để đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện đi vào chiều sâu, hai nước phải có những tìm tòi mới. Ứng phó với thách thức mới, hai nước phải phát huy đầy đủ ưu thế chung.

Gánh vác trách nhiệm lịch sử, hai nước phải nỗ lực thực hiện các nhận thức chung và các thỏa thuận. Việc tăng cường hợp tác các tỉnh biên giới hai nước đóng góp cho sự phát triển khu vực biên giới Trung-Việt.

Về mặt nghiên cứu, giáo sư-tiến sỹ Đỗ Tiến Sâm, Viện Nghiên cứu Trung Quốc đề xuất học giả hai nước cần hợp tác nghiên cứu 3 vấn đề lý luận có tính tổng quát là lý luận về Đảng cầm quyền, kiểm soát quyền lực và quản trị quốc gia.

Việc hai Đảng vẫn khẳng định quyết tâm, cụ thể là Việt Nam “kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội,” Trung Quốc “kiên định không thay đổi tiến lên theo con đường xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc” làm cho tiềm năng, không gian hợp tác trong nghiên cứu lý luận và khoa học giữa hai Đảng và giới học giả hai nước còn rất rộng lớn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.