“Đặc công Hải quân-hành trình 50 năm” là chủ đề cuộc Hội thảo khoa học do Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức sáng 25/3, tại thành phố Hải Phòng.
Đây là một hoạt động mang ý nghĩa chính trị-lịch sử và văn hóa sâu sắc nhân kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống Đặc công Hải quân (13/4/1966-13/4/2016).
Trước yêu cầu bức thiết trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cần đẩy mạnh tiến công quân địch trên chiến trường sông, biển miền Nam: đánh phá các căn cứ hậu cần, kho tàng, sân bay, hải cảng, triệt phá các đường giao thông thủy, bộ quan trọng của địch, tạo điều kiện cho các lực lượng của ta tấn công tiêu diệt Mỹ-ngụy, tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; ngày 13/4/1966, Bộ Quốc phòng ra Quyết định thành lập Đoàn huấn luyện trinh sát Đặc công nước mang phiêu hiệu Đoàn 126 (nay là Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126).
50 năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sỹ Đặc công Hải quân qua các thời kỳ luôn đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, không quản ngại hy sinh gian khổ, vững vàng tiến bước dưới Quân kỳ, trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân.
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong huấn luyện và chiến đấu, Đặc công Hải quân đã vinh dự được Đảng, Nhà nước hai lần tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang Nhân dân; 4 tập thể, 12 cá nhân được tuyên dương Anh hùng…
Phát biểu tại hội thảo, Phó Đô đốc Đinh Gia Thật, Chính ủy Hải quân nhấn mạnh trải qua 50 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Đặc công Hải quân đã tổ chức huấn luyện, chiến đấu chi viện cho các chiến trường miền Nam, đặc biệt trực tiếp chiến đấu trên các chiến trường Quảng Trị (1966-1975); tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.
Tiếp nối nghệ thuật đánh giặc giữ nước của dân tộc, phát huy truyền thống “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” của quân đội; Quân chủng Hải quân anh hùng, ra quân là chiến thắng, lập nhiều chiến công huyền thoại.
Trên mặt trận Đường 9-Bắc Quảng Trị, Đặc công Hải quân đã góp phần làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, cùng các lực lượng bạn giải phóng tỉnh Quảng Trị; trực tiếp chiến đấu giải phóng quần đảo Trường Sa; cùng quân dân cả nước hoàn thành nhiệm vụ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Tại hội thảo, tham luận, ý kiến của các đại biểu, nhân chứng lịch sử, nhà khoa học, đặc biệt các cực chiến binh Đặc công Hải quân-những người đã trực tiếp chiến đấu, đã đi sâu phân tích, làm rõ nghệ thuật tác chiến của Đặc công Hải quân; vị trí, tầm quan trọng chiến lược của chiến trường Cửa Việt-Đông Hà (Quảng Trị) trên bàn cờ chiến sự của Mỹ-ngụy, thấy được những khó khăn, thử thách khi Đặc công Hải quân phải nghiên cứu tổ chức thực hiện nhiệm vụ tác chiến.
Sự tích cực, chủ động của Đặc công Hải quân trong chuẩn bị lực lượng, chuẩn bị chiến trường, xây dựng thế trận đến bản lĩnh chiến đấu anh dũng, quả cảm, mưu trí sáng tạo. Hội thảo đã đánh giá đầy đủ và toàn diện, tầm vóc những chiến công to lớn của Đặc công Hải quân; đặc biệt là những chiến công vang dội trên: chiến trường Cửa Việt-Đông Hà (1967-1973); các chiến trường sông biển miền Nam; giải phóng quần đảo Trường Sa trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.
Phó Đô đốc Nguyễn Văn Tình, Anh hùng lực lượng Vũ trang Nhân dân, nguyên Chính ủy Hải quân, nguyên Đoàn trưởng Đoàn Đặc công 126 chia sẻ: Trải qua 50 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành, Đoàn 126 Đặc công Hải quân đã có hơn 10 năm chiến đấu ở chiến trường; trong đó có 7 năm liên tục chiến đấu dũng cảm, kiên cường trên mặt trận Cửa Việt-Đông Hà và lập nên những chiến công huy hoàng.
Từ năm 1966-1973, Đoàn 126 tổ chức đánh trên 300 trận; đã đánh chìm, phá hủy, đánh hỏng 372 tàu vận tải, tàu quân sự Mỹ-ngụy, có chiến trọng tải 15.000 tấn. Đoàn 126 đã tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu hàng ngàn tên địch, phá hủy hàng vạn tấn vũ khí và phương tiện chiến tranh.
Tham luận tại hội thảo, Chuẩn Đô đốc Đỗ Viết Cường, Anh hùng lực lượng Vũ trang Nhân dân, nguyên Phó Tham mưu trưởng Hải quân, nguyên Phó Đoàn trưởng Quân sự Đoàn Đặc công 126 bộc bạch: Trong chiến dịch Đường 9-Nam Lào (30/1-23/3/1971), Đặc công Hải quân đóng một vai trò rất quan trọng với những trận đánh địch trên sông, ngăn chặn việc vận chuyển tiếp tế của địch, đặc biệt là vũ khí và phương tiện chiến tranh hạng nặng như xe tăng, pháo binh, vật liệu xây dựng trận địa…
Toàn bộ chiến dịch đánh 81 trận lớn nhỏ; đánh chìm 43 tàu, 122.000 tấn hàng hóa, diệt 166 tên địch, làm tắc nghẽn sông 31 ngày… Đặc biệt, đêm 18/2/1971, Đội 1 đã đánh chìm 4 tàu chở đầy hàng của địch trên đoạn sông Xuân Khanh, làm tắc sông một tuần lễ.
Hội thảo đã tiếp tục khẳng định và làm rõ thêm những giá trị nghệ thuật quân sự Việt Nam được Đặc công Hải quân kế thừa, vận dụng, bổ sung và phát triển sáng tạo trong thực tiễn chiến đấu.
Đại tá Hoàng Minh Sơn, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126 chia sẻ: Kế thừa và phát huy cách đánh giặc của ông cha, trong những năm qua, Đặc công Hải quân đã cùng các lực lượng của Quân chủng nghiên cứu, xây dựng, huấn luyện các cách đánh mới phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Đặc biệt, Đặc công Hải quân đã huấn luyện theo phương châm điêu luyện thuần thục về kỹ thuật, giỏi về chiến thuật./.