Hội thảo khoa học về giải pháp duy trì hòa bình, ổn định ở biển Đông

Hội thảo khoa học với chủ đề “Các khía cạnh pháp lý và giải pháp duy trì hòa bình, ổn định ở biển Đông” đã diễn ra tại trường Đại học Khoa học Kỹ thuật Dongwon (Yangsan, Hàn Quốc).
Hội thảo khoa học về giải pháp duy trì hòa bình, ổn định ở biển Đông ảnh 1Quang cảnh buổi hội thảo. (Nguồn: Vietnam+)

Ngày 17/11, hội thảo khoa học với chủ đề “Các khía cạnh pháp lý và giải pháp duy trì hòa bình, ổn định ở biển Đông” đã diễn ra tại trường Đại học Khoa học Kỹ thuật Dongwon (Yangsan, Hàn Quốc).

Hội thảo do Hội những người Hàn Quốc yêu Việt Nam VESAMO phối hợp với trường Đại học Youngsan (Trung tâm nghiên cứu luật biển, Trung tâm quốc tế học, Trung tâm nghiên cứu Việt Nam) và Viện khoa học kỹ thuật hải dương Hàn Quốc tổ chức.

Tham dự hội thảo có khoảng 100 đại biểu là các giáo sư đại học, chuyên gia, học giả, các nhà nghiên cứu về hải dương học, các sinh viên Hàn Quốc và Việt Nam và những người Hàn Quốc quan tâm.

Tại hội thảo, các học giả đã tập trung vào việc phân tích về các vấn đề pháp lý liên quan đến tranh chấp ở biển Đông trong thời gian gần đây giữa Trung Quốc với một số nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam và Philippines; đề xuất các phương án giải quyết các tranh chấp hiện nay ở Biển Đông.

Các ý kiến đều cho rằng tình hình biển Đông gần đây mặc dù có vẻ lắng dịu hơn, tuy nhiên thời gian tới sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp do Trung Quốc cố tình không tuân thủ luật pháp quốc tế, tiếp tục triển khai các hoạt động gây căng thẳng và quân sự hóa ở biển Đông.

Các đại biểu cũng cho rằng việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở biển Đông là bổn phận và trách nhiệm của các quốc gia và là yếu tố quan trọng để đảm bảo hòa bình, an ninh, tự do hàng hải, hàng không và thương mại quốc tế.

Hội thảo khoa học về giải pháp duy trì hòa bình, ổn định ở biển Đông ảnh 2Các đại biểu tham dự hội thảo. (Nguồn: Vietnam+)

Đảm bảo an ninh, hoà bình ở Biển Đông có ý nghĩa quan trọng với cả khu vực châu Á-Thái Bình Dương, do đó các đại biểu tham dự hội thảo kêu gọi các bên liên quan xuất phát từ tinh thần và trách nhiệm quốc tế chấm dứt các hành động căng thẳng, đơn phương phá vỡ nguyên trạng ở biển Đông, thiện chí hợp tác gìn giữ hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực; chung tay bảo vệ môi trường sinh thái biển và sự đa dạng sinh học ở biển Đông.

Với mong muốn giới thiệu rõ hơn về thực trạng tranh chấp trên biển Đông, Ban tổ chức đã tổ chức triển lãm hơn 30 bức ảnh về bản đồ lịch sử biển Đông qua các thời kỳ và hình ảnh các bãi, đá trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trước, trong và sau khi Trung Quốc triển khai các hoạt động phá vỡ nguyên trạng, quân sự hóa và tác động của việc làm này đối với anh ninh, tự do hàng hải và môi trường sinh thái biển ở khu vực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.