Trong bối cảnh 2016 là một năm có nhiều sự kiện ngoại giao quan trọng trên thế giới diễn ra tại Nhật Bản, Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông Toàn cầu, Đại học Tổng hợp Nagoya, ngày 12/2 , đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Xã hội toàn cầu và Nhật Bản: 70 năm sau chiến tranh và tương lai” tại thành phố Nagoya.
Hội thảo đã quy tụ nhiều chuyên gia hàng đầu của Nhật Bản và quốc tế về các vấn đề chính sách ngoại giao và an ninh như giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông Toàn cầu, giáo sư Toshiya Nakamura, Cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản phụ trách các vấn đề quốc tế, ông Hideshi Tokuchi, Tổng thư ký phụ trách Hội nghị thượng đỉnh G7 và Hội nghị ngoại trưởng G7 thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản, Shigeki Takizaki, Tổng biên tập Tạp chí chuyên đề về các vấn đề quốc tế của Australi, giáo sư tại Đại học La Trobe, Australia, ông Nick Bisley, cùng nhiều chuyên gia và học giả nổi tiếng khác.
Trong bài thuyết trình với chủ đề “Vai trò Nhật Bản trong an ninh khu vực Đông Á,” cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản phụ trách các vấn đề quốc tế, ông Hideshi Tokuchi, đánh giá năm 2015 là một năm gặt hái nhiều thành công của an ninh quốc gia Nhật Bản với việc chính phủ lập được khung thể chế cho an ninh đất nước gồm “Định hướng hợp tác quốc phòng Mỹ-Nhật” và luật an ninh dựa trên cách diễn giải mới đối với Hiến pháp.
Tuy nhiên, một loạt các sự kiện xảy ra đầu năm 2016 như vụ thử hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, các cuộc tấn công khủng bố tại Jakarta (Indonesia) đã một lần nữa làm nổi rõ những thách thức an ninh phi truyền thống của Nhật Bản.
Đề cập đến ASEAN, ông Tokuchi cho rằng “Các nước Đông Nam Á đã thành lập cộng đồng ASEAN dựa trên các nguyên tắc dân chủ, tự do và quy định của luật pháp” và “Cộng đồng An ninh-Chính trị của ASEAN là nhằm đảm bảo cho người dân được hưởng các quyền con người và các giá trị tự do nền tảng phù hợp với các nguyên tắc dân chủ, lãnh đạo tốt và quy định của luật pháp.”
Đề cập đến Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS), ông Tokuchi nhấn mạnh các giải pháp hòa bình đối với các tranh chấp đã được quy định rõ trong Hiến chương Liên hợp quốc, tự do hàng hải đã được ghi rõ trong UNCLOS.
Theo ông, những nguyên tắc này lập điều lệ cho luật pháp quốc tế và vì vậy được áp dụng cho tất cả các quốc gia trên thế giới. Ông nhấn mạnh đến tầm quan trọng Nhật Bản cần tiếp tục phối hợp với các nước ASEAN trong vấn đề an ninh hàng hải.
Trong bài phát biểu của mình, Tổng thư ký phụ trách Hội nghị thượng đỉnh G7 và Hội nghị ngoại trưởng G7 Shigeki Takizaki đã nhận định Hội nghị thượng đỉnh G7 là sự kiện ngoại giao quan trọng nhất của Nhật Bản trong năm 2016. Đây cũng là cơ hội vàng để Nhật Bản giới thiệu với cộng đồng quốc tế một đất nước Nhật Bản thân thiện, phát triển và tươi đẹp.
Theo ông Takizaki, trong khuôn khổ sự kiện G7, với vai trò là nước chủ nhà, Nhật Bản sẽ đề cập đến những vấn đề quan trọng của khu vực và trên thế giới như kinh tế và thương mại thế giới, năng lượng và tình trạng biến đổi khí hậu, các vấn đề ngoại giao và chính trị...
Các diễn giả hội thảo cũng đã đê cập đến nhiều vấn đề quan trọng khác như nước Đức với vấn đề người tị nạn Trung Đông, tiến trình phát triển trong quan hệ an ninh giữa Nhật Bản với Australia và quan hệ giữa Nhật Bản với Singapore.
Hội thảo thực sự đã tạo ra một diễn đàn cho các chuyên gia Nhật Bản và quốc tế cơ hội để trình bày và trao đổi thẳng thắn quan điểm đối với các vấn đề an ninh, ngoại giao khu vực và thế giới./.