Theo phóng viên TTXVN tại Australia, chiều 1/12, tại thủ đô Canberra, Đại sứ quán Nhật Bản tại Canberra đã phối hợp với Viện nghiên cứu chính sách chiến lược Australia (ASPI) tổ chức cuộc hội thảo về Biển Đông với chủ đề: “Cộng đồng quốc tế và cân bằng chiến lược ở Biển Đông.”
Hội thảo thu hút gần 60 người tham dự, trong đó có 4 diễn giả chính, là những chuyên gia hàng đầu về Đông Nam Á và Biển Đông, bao gồm giám đốc điều hành ASPI Peter Jennings; giáo sư James Goldrick thuộc trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc phòng, Đại học quốc gia Australia; ông Miles Kupa, cựu Đại sứ Australia tại Thái Lan và Philippines, đồng thời cũng là cựu Cao ủy Liên hợp quốc tại Singapore và Malaysia; và giáo sư Ben Schreer, Trưởng khoa hoạch định chính sách, tình báo và chống khủng bố thuộc Đại học Macquarie.
Tại cuộc hội thảo, cả bốn diễn giả đều nhất trí cho rằng Biển Đông đang phải đối mặt với cạnh tranh chiến lược ngày càng sâu sắc liên quan đến các quốc gia yêu sách và các cường quốc có lợi ích ở khu vực.
Khu vực này chưa có sự cân bằng chiến lược hiệu quả cũng như các cơ chế để giúp tạo sự cân bằng. Thách thức đối với cộng đồng quốc tế hiện nay là làm thế nào để kiểm soát hành vi của Trung Quốc, trong khi các cường quốc khác hoặc là thiếu năng lực hoặc không muốn trực tiếp tham gia các cuộc tranh chấp này.
Cựu Đại sứ Miles Kupa cho rằng việc Tòa án Trọng tài thường trực Liên hợp quốc (PCA) tuyên bố có đủ thẩm quyền để xem xét đơn kiện của Philippines là một tín hiệu thuận lợi nhưng có thể không ngăn được ý đồ của Trung Quốc ở Biển Đông.
Liên quan các nước lớn, ông Peter Jennings khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục tiến hành tự do hàng hải ở Biển Đông, thể hiện hành động nhiều hơn trước nhằm kiềm chế hành vi hiếu chiến của Trung Quốc.
Tuy nhiên, một cuộc đối đầu trực diện Mỹ-Trung tại khu vực này là khó có thể xảy ra vì hai nước nhận thức được rằng hậu quả sẽ rất lớn, ngoài ra hai bên còn ràng buộc nhiều lợi ích và cơ chế.
Trong khi đó, Nhật Bản nhiều lần tuyên bố có lợi ích lớn ở Biển Đông nhưng giáo sư Ben Schreer cho rằng trước mắt chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe có thể sẽ không tham gia tuần tra cùng Mỹ ở khu vực này vì quan hệ Nhật-Trung vốn căng thẳng liên quan đến lãnh thổ và lịch sử.
Nhật Bản không muốn quan hệ với Trung Quốc thêm trầm trọng; lực lượng Nhật Bản hiện nay căng trải nhiều mặt trận nên việc điều lực lượng đến khu vực này trước mắt là chưa thể, đó là chưa kể đến Nhật Bản hiện nay chưa có thỏa thuận quốc phòng với Philippines để sử dụng căn cứ hải quân tại nước này; và cuối cùng khu vực này không nằm trong lợi ích cốt lõi của Nhật Bản.
Với Australia, các diễn giả cho rằng Australia nên chuẫn bị sẵn sàng tham gia cùng Mỹ hoặc một mình thực hiện các hoạt động tự do hàng hải tại khu vực này phù hợp với luật pháp quốc tế và cũng để bảo đảm lợi ích của Australia tại khu vực này./.