"Homestay" cho học sinh Lào: Dạy tiếng Việt gắn với sự ấm áp gia đình

Người dân địa phương không chỉ đóng vai trò như người “trợ giảng” tiếng Việt mà còn như gia đình thứ hai của các em, chăm sóc, dạy bảo cho các em những phong tục, tập quán của Việt Nam.
Các lưu học sinh Lào tìm hiểu về cuộc sống của các hộ gia đình ở Việt Nam. (Nguồn: Trường Hữu nghị T78)

Gắn học tập với thực tiễn, thực hành là một trong những phương pháp học tập được đánh giá đạt hiệu quả cao trong việc học ngoại ngữ.

Là một ngôi trường có bề dày lịch sử gần 60 năm chuyên đào tạo tiếng Việt cho các du học sinh Lào, Trường Hữu nghị T78 đã ứng dụng hiệu quả phương pháp giáo dục này, thông qua chương trình đào tạo “Homestay” - đưa lưu học sinh Lào đi thực tế tại nhà dân.


Chương trình “Ba cùng”

Từ năm học 2014-2015, trường Hữu nghị T78 (thuộc xã Thọ Lộc, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) đã triển khai mô hình “homestay” với khởi điểm là gần 80 học viên tham gia thực hiện “Ba cùng” – Cùng ăn, cùng ở, cùng làm – với các hộ dân ở xã Thọ Lộc.

Quãng thời gian ở tại nhà dân tuy ngắn (2-3 tuần) nhưng đã góp phần không nhỏ giúp các học sinh Lào nắm vững tiếng Việt cũng như hoà nhập nhanh với người dân, từ đó tăng cường tình cảm giữa hai bên.

Ông Lê Phú Thắng, Phó hiệu trưởng trường Hữu ​nghị T78 cho biết trong quá trình đào tạo, Trường luôn chú trọng rèn luyện đầy đủ 4 kỹ năng sử dụng tiếng Việt cho các lưu học sinh Lào, tuy nhiên vẫn còn một số em chưa thuần thục 4 kỹ năng tiếng Việt (nghe, nói, đọc và viết) và gặp rất nhiều khó khăn sau khi học một năm dự bị và bước vào học chuyên ngành tại các trường đại học của Việt Nam. Trình độ tiếng Việt kém kéo theo khả năng tự học của các em còn nhiều hạn chế, chưa phát huy được tính chủ động, tính tích cực và sáng tạo; kết quả học tập còn thua kém so với học sinh Việt Nam.

[Lưu học sinh Lào và những điều 'chỉ ở Việt Nam mới có']

Do đó, chương trình homestay ra đời, được Trường Hữu ​nghị T78 phê chuẩn, cho phép tổ chức thử nghiệm trên cơ sở đánh giá các kỹ năng tiếng Việt và khả năng tự học của lưu học sinh Lào.

Các lưu học sinh Lào tham gia một lễ hội địa phương. (Nguồn: Trường Hữu nghị T78)

Chương trình được xây dựng trên cơ sở gắn kiến thức sách vở trong nhà trường với thực tiễn đời sống. Qua đó, các lưu học sinh Lào không chỉ có được môi trường thuận lợi để thực hành tiếng Việt mà còn có cơ hội tìm hiểu về đời sống, văn hóa, phong tục tập quán và con người Việt Nam.

Năm đầu tiên, các học viên còn khá bỡ ngỡ và vất vả trong việc làm quen với sinh hoạt ở các hộ dân. Những hộ dân tham gia chương trình đều đã được chỉ dẫn cụ thể về thói quen, phong tục tập quán của người dân Lào để tránh những khó xử trong quá trình tiếp xúc. Nhiều gia đình còn học nấu món ăn Lào để giúp các em dễ thích nghi hơn, thầy Nguyễn Toàn Nghĩa, Hiệu trưởng Trường T78 cho biết.

“Đến với các hộ dân ở Thọ Lộc, các em học sinh được giới thiệu về món ăn Việt Nam, cách làm món ăn và học cách để giới thiệu lại những món ăn này. Các em còn được tham gia chăm sóc, chiết ghép cây cảnh, chăn nuôi trang trại ở các hộ dân,” thầy Nghĩa cho biết thêm.

Không chỉ vậy, trong quá trình ở nhà dân, các bạn còn được nghe kể chuyện bằng Tiếng Việt, làm quen và học cách sử dụng thành ngữ - tục ngữ Việt Nam.

Các học sinh tham gia chương trình. (Ảnh: Ngọc Thạch/Vietnam+)

Kết thúc những chương trình homestay nói trên, kỹ năng nói tiếng Việt của các học viên được nâng cao rõ rệt. Nghe các học viên Lào trao đổi, trò chuyện, ít có ai ngờ được rằng các bạn đã có thể sử dụng thuần thục tiếng Việt đến như vậy chỉ sau 10 tháng học dự bị tiếng tại trường.

“Có bạn chuẩn bị bài viết nhờ tôi xem lại mà gần như tôi không phải sửa lại chút nào. Chữ bạn ý viết thì còn đẹp hơn người Việt tự viết nhiều,” một chủ hộ tham gia chương trình “homestay” khoe với phóng viên như vậy.

Ấm áp tình nghĩa

Thành công của chương trình không chỉ ở việc nâng cao kỹ năng tiếng Việt cho các bạn Lào mà còn giúp các bạn hòa nhập với đời sống ở Việt Nam, từ đó giúp ích cho các bạn trong quá trình học đại học tiếp theo.

Qua những ngày lưu trú tại gia đình xã Thọ Lộc, khả năng tiếng Việt của các lưu học sinh Lào được nâng lên, vốn từ ngữ được mở rộng hơn, đặc biệt phần lớn lưu học sinh đã tự tin hơn trong giao tiếp. Các hộ dân đều dành cho các bạn lưu học sinh Lào những tình cảm, sự quan tâm, chăm sóc như con cái trong nhà. Nhiều gia đình đã chủ động tổ chức các buổi liên hoan, nấu ăn, biểu diễn văn nghệ hoặc cùng các lưu học sinh Lào tham gia hội làng, đi thăm quan di tích lịch sử… nhằm giúp các lưu học sinh Lào được trải nghiệm và giao lưu học tập.

Trước khi nhập học tại Đại học Y dược Thái Bình, Soukthaxay (lưu học sinh Lào lớp TV9) theo học dự bị tiếng Việt tại trường Hữu ​nghị T78. Sau thời gian học trên lớp, Soukthaxay được cử đến gia đình nhà bác Hân (xã Thọ Lộc, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) theo chương trình đào tạo homestay. Đây là lần đầu tiên Soukthaxay đến Việt Nam và cũng là lần đầu tiên xa nhà nên còn nhiều bỡ ngỡ, ngại ngùng. Tuy nhiên, chỉ sau 2-3 ngày ở nhà bác Hân, Soukthaxay đã sớm hòa nhập vào cuộc sống sinh hoạt gia đình.

Học sinh Lào tham gia lao động cùng đoàn nhân dân địa phương trong khuôn khổ chương trình. (Ảnh: Ngọc Thạch/Vietnam+)

Soukthaxay rất thích những bữa cơm của gia đình nhà bác Hân, lúc nào cũng đông đủ thành viên. Mọi người quay quần bên bữa cơm, cùng nói chuyện vui vẻ và rất tình cảm. Soukthaxay còn chủ động giúp đỡ gia đình bác Hân những công việc nhà hàng ngày như nấu cơm, quét nhà, đưa đón cháu nội bác đi học… Khi có vấn đề thắc mắc, gia đình bác Hân rất nhiệt tình giải thích, nhờ đó, không chỉ khả năng tiếng Việt mà ngay cả nếp sinh hoạt hàng ngày của một gia đình Việt, Soukthaxay nắm rất rõ.

Cũng như Soukthaxay, anh Silisay Sil​ivong, 35 tuổi, hiện đang theo học cao học tại Học viện Ngoại giao Việt Nam, trước đây là lưu học sinh Lào lớp TV2 cũng đã trải qua 15 ngày tham gia chương trình đào tạo homestay. Với anh Silisay Silavong, đó là quãng thời gian rất nhiều kỷ niệm đẹp của anh khi theo học tại Việt Nam, anh thấy rất thân quen, gần gũi như đang ở Lào. “Sau những bữa cơm, tôi thường cùng bố Lợi ngồi uống trà, bố kể cho tôi nghe về quãng thời gian bố đi bộ đội, tham gia chiến dịch đường 95 Lào, xuất phát từ Quảng Bình. Mẹ Ba thường kể cho tôi nghe câu chuyện văn hóa, phong tục, các lễ hội làng, các danh lam thắng cảnh, các anh hùng Việt Nam… Qua đó, tôi thấy khả năng nghe nói, cách phát âm so tiến bộ rất nhanh với trước khi đi học. Trước đó, tôi có thể nghe được khoảng 65%, nói được 60%, nay nghe được khoảng 80%, nói được 85%, rất tự tin giao tiếp với người Việt,” anh Silisay Silivong nói.

Bức thư đầy cảm động về khoảng thời gian được ở cùng gia đình ông Lợi của Silisay Silavong. (Nguồn: Nhân vật cung cấp)

Gia đình ông Kiều Chí Lợi, xã Thọ Lộc đã 3 lần đón lưu học sinh đến gia đình sinh hoạt. Là bộ đội về hưu, từng tham gia chiến dịch đường 9 - Nam Lào, do đó ông rất vui và vinh dự khi có các lưu học sinh Lào đến sinh hoạt tại gia đình.

Để chuẩn bị đón các lưu học sinh, ông Lợi và gia đình thường tìm hiểu về thói quen cũng như sở thích của người Lào như thích ăn cay, món ăn có vị đậm đà hoặc chỉ ăn xôi trắng… để giúp hai bên hòa nhập nhanh hơn. “Các cháu lưu học sinh Lào có ý thức kỷ luật tốt, nhận thức tốt, rất hiền lành và chăm chỉ. Khi các cháu đến sinh hoạt tại gia đình, chúng tôi luôn coi các cháu như con cháu trong nhà, chỉ bảo tận tình, giúp các cháu hoàn thành nhiệm vụ nhà trường giao, hoàn thành tốt công việc học tập tại Việt Nam,” ông Lợi nói.

Qua những ngày sinh hoạt, không ít gia đình ở Thọ Lộc và học viên Lào đã gắn bó mật thiết. Các du học sinh thân thiết gọi bố, mẹ xưng con, tranh thủ ngày lễ tết để quay lại thăm chủ hộ.

Ông Lê Phú Thắng, Phó Hiệu trưởng trường T78,  khẳng định: “Vượt lên cả khuôn khổ của việc giao tiếp tiếng Việt giữa các em lưu học sinh Lào với người dân địa phương, đó còn là tình cảm gắn bó đặc biệt giữa các em và gia đình “mới.” Người dân địa phương không chỉ đóng vai trò như người “trợ giảng” tiếng Việt mà còn như gia đình thứ hai của các em, chăm sóc, dạy bảo cho các em những phong tục, tập quán, những thói quen sinh hoạt trong các gia đình Việt. Từ đó, các lưu học sinh Lào dễ hòa nhập và bắt nhịp được với cuộc sống mới tại Việt Nam. Đặc biệt, thông qua việc tổ chức các hoạt động của chương trình, mối quan hệ và tình cảm giữa nhà trường và địa phương càng thêm gắn bó, nhất là tình cảm giữa các lưu học sinh Lào với các hộ dân phát triển tốt đẹp, góp phần vun đắp cho tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Lào thêm sâu sắc, bền chặt."

Chia sẻ kinh nghiệm về mô hình này, ông Thắng cho biết: “Trường Hữu nghị T78 không phải là trường đầu tiên thực hiện chương trình đào tạo homestay nhưng có thể nói là một trong số rất ít trường thực hiện hiệu quả và thành công.”

Phó Hiệu trưởng Lê Phú Thắng trao phần thưởng cho 7 học sinh đạt thành tích xuất sắc trong chương trình homestay năm học 2016-2017. (Ảnh: Ngọc Thạch/Vietnam+)

Theo ông Thắng, “lý do là vì chúng tôi đã chuẩn bị rất kỹ cả về phía nhà trường, địa phương và người dân. Nhà trường và địa phương đã cẩn thận lựa chọn các hộ dân, hướng dẫn chi tiết những điều cần chú ý trong cuộc sống với học viên cũng như xây dựng cụ thể những nội dung, yêu cầu của chương trình. Các gia đình đón nhận lưu học sinh đã nhiệt tình tham gia phối hợp. Học viên được yêu cầu tự viết cảm nhận, viết các bài thu hoạch bằng tiếng Việt cũng tỏ ra rất hứng thú."

Qua ba năm triển khai hiệu quả, nhà trường dự định sắp tới sẽ tăng số lượng học viên và số hộ gia đình tham gia “homestay” lên khoảng 60 hộ gia đình với 2-3 học viên ở mỗi hộ, đồng thời tăng thời gian thực hiện lên khoảng 1 tháng so với 20 ngày hiện nay. “Chúng tôi hy vọng điều này sẽ giúp các học sinh thích nghi và nắm vững nhanh tiếng Việt hơn,” Hiệu trưởng Nguyễn Toàn Nghĩa cho biết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục