Bộ Y tế Indonesia cho biết, tính đến ngày 19/1, khoảng 1,12 triệu liều vaccine COVID-19 ở Indonesia đã hết hạn sử dụng trong khi vẫn có gần 30 triệu người chưa được tiêm liều thứ nhất và 86,7 triệu người chưa tiêm liều thứ hai.
Tại phiên chất vấn chính phủ về việc quá nhiều vaccine hết hạn ngày 18/1, Bộ trưởng Bộ Y tế Indonesia, ông Budi Gunadi Sadikin cho biết, trong số vaccine hết hạn có khoảng 98% (tương đương với 1,1 triệu liều) là từ các nước phát triển tài trợ.
Hầu hết các loại vaccine hết hạn là AstraZeneca, Pfizer và Moderna. Ban đầu, số vaccine này dự kiến viện trợ cho châu Phi, nhưng được chuyển sang cung cấp cho Indonesia trước do các nước châu Phi vào thời điểm đó chưa đủ cơ sở vật chất để quản lý vaccine như thiếu dây chuyền trữ lạnh.
[Indonesia có số ca mắc mới COVID-19 cao nhất trong vòng 3 tháng]
Hạ viện Indonesia cũng kêu gọi chính phủ khắc phục khoảng cách tiêm chủng giữa các tỉnh thành trên cả nước.
Hiện nay, tỷ lệ tiêm chủng mũi 1 tại một số nơi như Maluku, Tây Papua và Papua vẫn dưới 70%, trong khi lượng vaccine hết hạn tại một số khu vực khác lại tồn đọng khá nhiều, như Tây Java (272.000 liều), Trung Java (148.000 liều).
Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, thời gian tới, Indonesia sẽ chỉ tiếp nhận vaccine còn hạn ít nhất 3 tháng.
Ngoài ra, chính quyền một số thành phố đang đẩy nhanh kế hoạch tiêm vaccine tăng cường từ ngày 19-22/1 do một vài lô vaccine sẽ hết hạn vào ngày 23/1 tới.
Cơ quan y tế tại các khu vực này cho biết sẽ không tiêm vaccine tăng cường cho người cao tuổi vào thời điểm này vì số vaccine đã gần hết hạn./.