Hơn 11.500 thí sinh dự thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm HN

Buổi sáng thí sinh dự thi các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh. Các ca thi môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý sẽ diễn ra vào buổi chiều.
Thí sinh dự kỳ thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Hôm nay, 11/5, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực năm 2024 với sự đăng ký dự thi của 11.537 thí sinh, tăng gần 2,5 lần so với năm 2023.

Buổi sáng, thí sinh dự thi các ca thi môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh. Các ca thi môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý diễn ra vào buổi chiều.

Môn Ngữ văn có số lượng thí sinh đăng ký dự thi nhiều nhất với 7.531 em. Số thí sinh dự thi môn Toán là 6.617 em, môn Tiếng Anh 5.131 em, môn Lịch sử 2.830 em, môn Hóa học 1.898 em, môn Vật lý 1.972 em, môn Hóa học 1.898 em, môn Địa lý 931 em. Sinh học là môn có số lượng thí sinh đăng ký dự thi ít nhất với 380 em.

Kỳ thi được tổ chức tại 3 điểm thi chính là Hà Nội, Đà Nẵng và Quy Nhơn với tổng số 291 phòng thi.

Thí sinh lựa chọn đăng ký một số bài thi trong số các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý. Kết quả thi được dùng để đăng ký xét tuyển vào các ngành đào tạo đại học chính quy của các trường có sử dụng điểm của kỳ thi.

Năm nay có 9 trường đại học trên cả nước đăng ký sử dụng điểm bài thi này để xét tuyển, gồm: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học Vinh, Trường Đại học Quy Nhơn và Trường Đại học Y Dược Thái Bình.

Thí sinh làm thủ tục trước khi vào phòng thi. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Đề thi bao gồm các câu hỏi trắc nghiệm và tự luận, nhằm đánh giá năng lực học sinh ở mức độ thông hiểu, vận dụng và vận dụng sáng tạo để xét tuyển đại học. Các câu hỏi có nội dung thuộc chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Nội dung các bài thi tương ứng và phù hợp với nội dung các môn học, môn thi cấp trung học phổ thông học sinh đã quen thuộc; thí sinh làm bài thi trực tiếp trên giấy.

Để bảo đảm thực hiện tốt các nhiệm vụ trong từng khâu của quy trình tổ chức thi, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết đã tổ chức đội ngũ biên soạn đề thi là những chuyên gia hàng đầu, cán bộ, giảng viên giỏi và giàu kinh nghiệm thuộc các khoa đào tạo. Trong số này, có rất nhiều thành viên chủ chốt tham gia xây dựng chương trình, sách giáo khoa phổ thông và tham gia biên soạn câu hỏi nguồn, đề thi học sinh giỏi, đề thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông hàng năm cho Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cán bộ, giảng viên thường xuyên được tham dự các chương trình tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn về xây dựng đề thi đánh giá năng lực theo hướng chuẩn hóa. Trường cũng đã xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên trách phân tích đề thi theo lý thuyết khảo thí hiện đại.

Về công tác chấm thi, giảng viên và giáo viên trong trường có kinh nghiệm nhiều năm chấm thi học sinh giỏi các cấp, chấm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, chấm thi tuyển sinh đại học và đánh giá năng lực tiếng Anh, tiếng Việt. Nhiều cán bộ, giảng viên là những thành viên nòng cốt tham gia chấm thi học sinh giỏi quốc tế (Olympic Toán, Sinh học, Hóa học, Vật lý).

Đội ngũ cán bộ tổ chức thi, hỗ trợ kỹ thuật của trường được tích lũy nhiều kinh nghiệm và am hiểu quy chế thi. Ngoài ra, trường có đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, phần mềm, đáp ứng yêu cầu hỗ trợ hiệu quả công tác tổ chức thi, bao gồm cả yêu cầu về bảo mật, an toàn, an ninh, chống gian lận trong kỳ thi. Trường có ký túc xá hỗ trợ nhu cầu lưu trú trong thời gian dự thi đối với thí sinh ở xa.

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội lần đầu tiên tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực năm 2022 nhằm sử dụng kết quả thi để xét tuyển bên cạnh phương thức xét tuyển truyền thống là dựa trên điểm thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông. Điểm kỳ thi này hiện chủ yếu được sử dụng trong khối các trường sư phạm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục