Hơn 4.100 tấn hàng viện trợ đã được chuyển qua bến tàu nổi của Mỹ vào Gaza

CENTCOM cho biết hoạt động vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo qua bến tàu nổi đã được nối lại trong đêm 20/6, nâng tổng khối lượng hàng viện trợ được đưa đến Gaza qua công trình này lên hơn 4.100 tấn.
Xe tải chở hàng viện trợ qua bến tàu nổi do Mỹ thiết lập vào miền Trung Dải Gaza ngày 17/5/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 20/6, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết bến tàu nổi do quân đội nước này thiết lập ở Dải Gaza đã được neo lại và hoạt động vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo đã được nối lại tại đây.

Tuần trước, cầu tàu đã được đưa đến một cảng của Israel do thời tiết xấu gây biển động. Đây là lần thứ hai tình hình thời tiết gây ảnh hưởng đến hoạt động của bến tàu kể từ khi được xây dựng hồi tháng trước.

Theo người phát ngôn Lầu Năm Góc Pat Ryder, binh sỹ Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM) đã thả neo và tái lập bến tàu với sự hỗ trợ của các lực lượng Israel.

Ông cho biết hoạt động vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo thông qua bến tàu cũng đã được nối lại trong đêm cùng ngày, nâng tổng khối lượng hàng viện trợ được đưa đến Gaza qua công trình này lên hơn 4.100 tấn.

Bến tàu trên được xây dựng từ giữa tháng Năm để vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo đến Gaza nhưng đã bị hư hại do thời tiết xấu vào cuối tháng trước và phải tạm dừng hoạt động để sửa chữa.

Sau đó, bến tàu nối lại hoạt động vào ngày 7/6 nhưng sau đó lại phải tạm dừng trong 2 ngày cũng do thời tiết xấu và đến ngày 14/6 vừa qua, bến tàu tiếp tục phải ngừng hoạt động tạm thời.

Trong khi đó, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên hợp quốc đã tạm ngừng phân phối hàng viện trợ thông qua bến tàu này để đánh giá tình hình an ninh.

Trong một diễn biến khác, cùng ngày, hơn 30 chuyên gia Liên hợp quốc đã kêu gọi các quốc gia và công ty chấm dứt hoạt động chuyển giao vũ khí và đạn dược cho Israel.

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, trong tuyên bố chung, các báo cáo viên đặc biệt, các chuyên gia độc lập và các nhóm làm việc của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã kêu gọi các quốc gia và nhà sản xuất vũ khí ngừng bán hay chuyển giao vũ khí, đạn dược và các thiết bị quân sự khác cho Israel, ngay cả khi hoạt động này được thực hiện theo các giấy phép xuất khẩu hiện hành.

Các công ty này bao gồm BAE Systems, Boeing, Caterpillar, General Dynamics và Lockheed Martin.

Việc chấm dứt chuyển giao phải tính cả những hoạt động được thực hiện gián tiếp thông qua các nước trung gian mà cuối cùng có thể được các lực lượng Israel sử dụng, đặc biệt là trong các cuộc tấn công đang diễn ra ở Dải Gaza.

Các tổ chức tài chính đầu tư vào các công ty vũ khí này, bao gồm Bank of America, Capital Group và JP Morgan Chase, cũng có thể phải giải trình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục