Trưa ngày 15/2, tại khu vực trụ sở Ủy ban châu Âu và Hội đồng châu Âu ở Thủ đô Brussels (Bỉ), hơn 5.000 công nhân ngành thép thuộc 18 quốc gia châu Âu đã tập trung tại đây biểu tình nhằm phản đối thép giá rẻ của Trung Quốc.
Người biểu tình cũng kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) không công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Trung Quốc.
Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2001. Tuy nhiên, một điều khoản đặc biệt quy định rằng với khoảng 50 sản phẩm, sẽ không đánh giá cùng một cách tính thương mại hợp pháp của giá cả mà các doanh nghiệp Trung Quốc áp dụng vì cho đến nay, Trung Quốc vẫn chưa được coi là nền kinh tế thị trường. Điều này chỉ có thể được thay đổi vào cuối năm nay.
Ông Renaud Batier, Phó Chủ tịch Liên minh các hiệp hội các ngành công nghiệp châu Âu (AEGIS) cho biết: "Thông điệp của chúng tôi là Trung Quốc không phải là nền kinh tế thị trường do đó không nên được coi như vậy.
Trong khi đó, nghị sỹ châu Âu Antonio Tajani, cựu Ủy viên châu Âu phụ trách công nghiệp nhấn mạnh: "Chúng tôi không chống Trung Quốc mà chúng tôi chỉ muốn bảo vệ ngành công nghiệp châu Âu. Chúng tôi sẽ phải thay đổi quy định cạnh tranh với mục đích đảm bảo cạnh tranh đúng pháp luật."
Theo nghị sỹ Claude Rolin, người Bỉ, Trung Quốc "còn lâu mới tuân thủ 5 tiêu chuẩn của nền kinh tế thị trường. Việc cấp quy chế này cho Trung Quốc sẽ làm trầm trọng cuộc cạnh tranh không lành mạnh trong các lĩnh vực đã rất yếu của châu Âu như ngành thép, nhôm, thủy tinh và gốm sứ."
Nghị sỹ Claude Rolin cũng yêu cầu thiết lập cơ chế điều chỉnh biên giới để tái lập sự công bằng trong trao đổi và chấm dứt việc bán phá giá của một số quốc gia.
Lượng thép châu Âu nhập khẩu từ Trung Quốc đã tăng gấp đôi trong hai năm qua với giá giảm 40%. Kể từ năm 2008, 85.000 việc làm trong ngành thép châu Âu đã bị cắt giảm.
Riêng tại Bỉ, ngành thép sử dụng 25.000 việc làm trực tiếp và gián tiếp, trong đó 6.400 tại tập đoàn Arcelor Mittal có trụ sở ở Gand và 1.300 tại Liège./.