Theo đánh giá của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội Nguyễn Quang Thành, 3 năm qua, số lượng án hành chính khu vực phía Bắc tăng nhiều, đặc biệt là án hành chính do tòa án nhân dân cấp tỉnh, thành phố thụ lý, giải quyết theo thủ tục sơ thẩm.
Trong số đó, có tới hơn 80% nội dung là khởi kiện các quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai (3.538 vụ trên tổng số 4.391 vụ thụ lý).
Thông tin này được đưa ra tại Hội nghị rút kinh nghiệm từ thực tiễn công tác kiểm sát giải quyết án hành chính khu vực phía Bắc, do Viện Kiểm sát Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội tổ chức ngày 15/11.
Đại diện lãnh đạo Ủy ban Nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân 28 tỉnh, thành phố phía Bắc cùng 15 quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tham dự và góp ý kiến tham luận.
Theo Viện Kiểm sát Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội, nguyên nhân số lượng án hành chính tăng nhanh (chủ yếu trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về đất đai) là do phát sinh từ việc thu hồi đất để phục vụ dự án (khu công nghiệp, khu đô thị, xây dựng mới hoặc mở rộng các tuyến đường giao thông…).
Tuy nhiên, các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước chưa làm tốt công tác tuyên truyền, công khai đối thoại, việc giải quyết bồi thường, hỗ trợ tái định cư chưa đúng quy định dẫn đến phát sinh tranh chấp, khiếu kiện hành chính.
Công tác giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước có lúc, có nơi còn chậm, chưa phù hợp với quy định của pháp luật dẫn đến việc công dân tiếp tục khởi kiện ra tòa án.
Từ thực tế này, đại diện các đơn vị, địa phương tham dự hội nghị đã phân tích làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý hành chính Nhà nước, giải quyết khiếu nại.
Các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất kiến nghị, giải pháp hữu hiệu nhằm góp phần hạn chế tình trạng khiếu kiện hành chính cũng như nâng cao chất lượng công tác giải quyết án hành chính trong thời gian tới.
Chia sẻ kinh nghiệm trong công tác kiểm sát việc áp dụng pháp luật của tòa án khi giải quyết các vụ án hành chính về khiếu nại phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, bà Nguyễn Thị Minh Nghĩa (Trưởng Phòng kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh thương mại, lao động và các việc khác theo quy định của pháp luật-Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội) cho rằng cần làm rõ các căn cứ pháp luật mà tòa án áp dụng để từ đó xác định tòa án thụ lý đúng hay sai thẩm quyền.
Đặc biệt, đối với những trường hợp vừa có đơn khiếu nại, vừa có khởi kiện, cần phải kiểm sát xem tòa án đã yêu cầu người khởi kiện lựa chọn cơ quan giải quyết chưa và đã có văn bản thông báo cho tòa án biết chưa, từ đó xác định chính xác thẩm quyền của tòa án.
[Hà Nội: Xử lý nghiêm những vi phạm quản lý đất đai ở Thanh Oai]
Mặt khác, quá trình tham gia kiểm sát giải quyết các loại án hành chính này, muốn có phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đúng quy định của pháp luật phải xác định Nhà nước thu hồi đất nhằm mục đích gì, thu hồi đất trong trường hợp nào... nhằm xác định rõ đối tượng bị thu hồi có được bồi thường hay không; đồng thời phân biệt với những trường hợp được bồi thường theo khung giá Nhà nước hay theo giá thỏa thuận.
Với đặc thù nhiều án hành chính liên quan đến thu hồi đất khai hoang, bãi bồi ven biển, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hải Phòng tập trung phân tích vào 3 kinh nghiệm chính.
Cụ thể, cần làm rõ nguồn gốc đất xem có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận không; nắm chắc quy định về thủ tục thu hồi đất, cưỡng chế thu hồi đất và các quy định về bồi thường khi thu hồi đất.
Đặc biệt, cần làm rõ các lý do mà người khởi kiện đưa ra để lý giải cho việc không đồng ý với phương án bồi thường và những ý kiến phản biện của người bị kiện, để từ đó xác định tính hợp lý của yêu cầu khởi kiện.
Gợi mở về phương hướng giải quyết các vụ án hành chính, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí nhấn mạnh tới việc quan tâm giải quyết những khiếu nại, thắc mắc về các quyết định hành chính, hành vi hành chính ngay tại cơ sở, hạn chế giải quyết ở giai đoạn tố tụng.
Để làm được điều này, các bộ cơ sở phải nắm được bản chất vụ việc, giải thích cho người dân hiểu trên cơ sở khách quan, công bằng cho quyền lợi của người dân.
Mặt khác, các cơ quan tố tụng cũng cần bố trí nhân sự có năng lực, kinh nghiệm, đáp ứng yêu cầu xét xử. Cán bộ xử lý vụ việc cũng cần chủ động tiếp cận hồ sơ đầy đủ ngay từ đầu, cập nhật các quy định pháp luật mới ban hành, xác định chính xác thời điểm áp dụng luật theo quy định... nhằm giải quyết thấu tình đạt lý các vụ án hành chính, đảm bảo quyền và lợi ích của Nhà nước, của công dân./.