Giám sát việc thực hiện chính sách quy hoạch đất đai tại đô thị

Đoàn Giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018” đã họp phiên thứ nhất.
Giám sát việc thực hiện chính sách quy hoạch đất đai tại đô thị ảnh 1Một số khu đất được "chú thích" để tránh xâm lấn, tranh chấp trong Khu dân cư Bắc Rạch Chiếc, TP.HCM. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)

Ngày 15/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Đoàn Giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018” đã họp phiên thứ nhất.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, việc quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị đang nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội nên Quốc hội quyết định giám sát tối cao về chính sách, pháp luật liên quan đến vấn đề này từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến năm 2018.

Đất đai ở đô thị hiện nay được ví như “tấc đất, tấc vàng”; quá trình quản lý, sử dụng loại đất này đang nổi lên một số vấn đề, có nơi chưa được như mong muốn và xảy ra một số sai phạm.

Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, đây là cuộc giám sát rất quan trọng, nhận được sự quan tâm đông đảo của nhân dân, cử tri. Điều này đặt ra trách nhiệm nặng nề đối với Đoàn giám sát.

Theo dự kiến, Báo cáo kết quả giám sát sẽ trình ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, thời gian thực hiện không nhiều nên ngay trong thời gian tiến hành Kỳ họp thứ 6, Đoàn giám sát đã triển khai một số công việc theo quy định.

Trước mắt, Đoàn giám sát hoàn thành Đề cương báo cáo giám sát gửi đến các cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát, đồng thời thành lập 3 đoàn công tác đến giám sát, khảo sát thực địa tại 12 địa phương, tập trung vào một thành phố lớn như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng…

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, các đoàn công tác sẽ xuống tận từng quận, phường, đặc biệt là các điểm “nóng” để có thể đánh giá chính xác và trung thực tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai trên thực tế.

[Khó khăn khi giải tỏa vi phạm trật tự xây dựng tại rừng Sóc Sơn]

Theo kế hoạch, Đoàn giám sát sẽ xem xét, đánh giá việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị; quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.

Qua đó, đánh giá những kết quả đạt được, hạn chế, bất cập; xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tổ chức thực hiện, đồng thời đề xuất, kiến nghị những giải pháp nhằm thực hiện nghiêm, có hiệu quả chính sách, pháp luật về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị; phục vụ sửa đổi Luật Đất đai 2013 và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan.

Đoàn giám sát dự kiến sẽ tổ chức các cuộc họp, làm việc với các tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát; tổ chức 3 đoàn công tác đến giám sát tại một số địa phương; tổ chức 2 hội thảo để thu thập ý kiến, thông tin phục vụ cho các hoạt động…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Theo các chuyên gia, nguồn cung nhà ở xã hội hiện vẫn khan hiếm, chưa cải thiện nhiều là bài toán khó giải. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Thiếu nguồn cung, nhà ở xã hội vẫn xa đích

Với tiến độ thực hiện các dự án hiện nay thì mục tiêu hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội được Chính phủ đặt ra trong năm 2024 rất khó đạt khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là kết thúc năm.