Ngày 17/10, đại diện Bộ Xây dựng cho biết theo phản ánh của cử tri, hiện nay còn rất nhiều người dân có thu nhập thấp không có nhà ở, nhiều dự án bất động sản bị bỏ hoang song người có thu nhập thấp không thể tiếp cận được.
Liên quan đến nội dung trên, Bộ Xây dựng đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai đầu tư xây dựng, quản lý, kinh doanh đối với các dự án bất động sản; giải quyết cơ bản được nhu cầu về nhà ở của người dân.
Về tình hình phát triển nhà ở xã hội, đại diện Bộ Xây dựng cho biết từ năm 2015 đến nay, việc tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật về phát triển nhà ở và nhà ở xã hội đã góp phần giải quyết nhu cầu về nhà ở cho người dân nói chung và các nhóm đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội nói riêng, người dân có thu nhập thấp có điều kiện tiếp cận nhà ở và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Công khai thông tin người mua nhà ở xã hội để tránh trục lợi chính sách
Việc minh bạch thông tin người mua nhà ở xã hội nhằm tránh trường hợp đã có sổ đỏ ở vị trí khác, hoặc nhà đất vượt quá 10 m2/người, nhưng vẫn tham gia bốc thăm làm mất cơ hội của người khác.
Qua tổng hợp báo cáo của các địa phương về kết quả phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp, tính từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn cả nước đã có khoảng 804 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 573.992 căn hộ.
Trong khoảng 804 dự án nhà ở xã hội trên, có 376 dự án đã hoàn thành với quy mô 195.676 căn; 128 dự án đã khởi công xây dựng với quy mô 115.379 căn; 300 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô 262.937 căn.
Với khối lượng dự án nhà ở xã hội đã và đang được triển khai, trong thời gian tới, nhu cầu về nhà ở cho người dân có thu nhập thấp sẽ được cải thiện.
Về việc nhiều dự án bất động sản bỏ hoang, đại diện Bộ Xây dựng cho biết theo quy định của pháp luật, quá trình triển khai đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác, kinh doanh bất động sản của dự án bất động sản phải tuân thủ nhiều hệ thống pháp luật (như pháp luật về quy hoạch, pháp luật về đất đai, pháp luật về đầu tư, pháp luật về xây dựng, pháp luật về kinh doanh bất động sản).
Cụ thể, theo quy định của pháp luật về đất đai, dự án bất động sản phải được triển khai đầu tư xây dựng, đưa đất vào sử dụng đất trong thời hạn 2 năm kể từ ngày chủ đầu tư dự án nhận bàn giao đất. Quá thời hạn trên nếu chủ đầu tư dự án không đưa đất vào sử dụng mà không có lý do chính đáng thì chủ đầu tư dự án có thể bị thu hồi diện tích đất chủ đầu tư dự án đã nhận bàn giao để thực hiện dự án.
Bên cạnh đó, theo quy định của pháp luật về đầu tư, chủ đầu tư dự án sẽ bị xử phạt nếu không thực hiện triển khai đầu tư xây dựng theo tiến độ, nội dung dự án bất động sản đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.
“Do vậy, để hạn chế tình trạng có dự án bất động sản bỏ hoang, chậm triển khai như phản ánh của cử tri, các địa phương cần tăng cường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác, kinh doanh đối với các dự án bất động sản theo các quy định của pháp luật,” đại diện Bộ Xây dựng nhấn mạnh./.