Trước tình trạng giá bất động sản tăng cao phi lý trong thời gian qua, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Vương Duy Dũng cho rằng việc áp dụng chính sách thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh và giao dịch bất động sản là giải pháp quan trọng, nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ, “lướt sóng,” mua đi bán lại trong thời gian ngắn.
Tuy vậy, đại diện Bộ Xây dựng cũng lưu ý đánh thuế bất động sản, nhà ở là chính sách mới, cần phải nghiên cứu thấu đáo, toàn diện, trên cơ sở đó đánh giá tác động đầy đủ, hướng đến các đối tượng chính sách, từ doanh nghiệp kinh doanh, đến người bán, người mua, tránh ảnh hưởng thị trường.
Giá nhà tăng phi lý chủ yếu do đầu cơ
Ngày 17/10, tại cuộc họp báo thường kỳ quý 3/2024 của Bộ Xây dựng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản Vương Duy Dũng cho biết qua tổng hợp, phân tích cho thấy nguồn cung bất động sản chỉ là một trong các nguyên nhân khiến tăng giá bất động sản (chung cư, nhà đất, biệt thự...) tại một số khu vực, địa phương tăng "nóng" trong thời gian qua.
Theo ông Dũng, giá bất động sản tăng cao (đặc biệt là tại thành phố Hà Nội) còn do biến động tăng đối với chi phí liên quan đến đất đai gần đây cũng như tác động khi áp dụng phương pháp tính và bảng giá đất mới.
Xây dựng bảng giá đất cần đánh giá tác động tới người dân, doanh nghiệp
Trong việc điều chỉnh bảng giá đất, các địa phương cần xem xét kỹ lưỡng tính ổn định của hệ thống pháp luật, đánh giá tác động đến các nhóm đối tượng sử dụng đất nhất là người dân, doanh nghiệp.
Đặc biệt qua khảo sát tại một số địa phương, khu vực, Bộ Xây dựng ghi nhận có hiện tượng đấu giá quyền sử dụng đất với kết quả trúng đấu giá cao gấp nhiều lần giá khởi điểm; việc quản lý, thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất tại một số khu vực, địa phương chưa tốt; có hiện tượng nhiều nhà đầu tư thành lập hội, nhóm tham gia đấu giá; trả giá đất cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm, rồi có thể bỏ cọc sau khi trúng đấu giá đất nhằm mục đích thiết lập mặt bằng giá ảo tại khu vực để kiếm lời,
“Việc đấu giá quyền sử dụng đất với kết quả trúng đấu giá cao gấp nhiều lần giá khởi điểm sẽ có tác động làm tăng mặt bằng giá đất, giá bất động sản, giá nhà ở của khu vực lân cận và của địa phương đồng thời làm tăng chi phí triển khai thực hiện dự án nhà ở, gây khó khăn cho doanh nghiệp, giảm nguồn cung, tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản,” ông Dũng nói.
Mặc khác theo lãnh đạo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, biến động của nền kinh tế trong thời gian qua liên quan đến thị trường chứng khoán, trái phiếu, vàng... cũng đã tác động đến tâm lý của người dân, nhà đầu tư, dẫn đến xu hướng chuyển dịch dòng tiền của người dân, nhà đầu tư sang đầu tư nhà, đất để làm nơi “trú ẩn” an toàn cho nguồn tiền tích lũy.
Đồng tình với nhận định trên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng cho rằng tình trạng đầu cơ và tâm lý mua nhà để chờ tăng giá là nguyên nhân chính đẩy giá tăng cao trong thời gian qua.
“Đầu cơ khiến giá tăng phi lý và người mua nhà thì có tâm lý mua nhà để chờ tăng giá. 2 yếu tố này khiến giá nhà càng tăng mạnh,” ông Hùng nói.
Các giải pháp cần áp dụng ngay
Đề cập đến các giải pháp cụ thể, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản Vương Duy Dũng cho biết Bộ Xây dựng đã đề xuất chính sách đánh thuế đối với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất. Việc này nhằm hạn chế hoạt động đầu cơ, mua đi bán lại nhà, đất trong thời gian ngắn để kiếm lời, đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế.
“Giải pháp này cũng nhằm hỗ trợ người có nhu cầu ở thực có thể tiếp cận tốt hơn, giúp cho thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Đây là giải pháp phổ biến, nhiều nước trên thế giới đã đang áp dụng,” ông Dũng nhìn nhận.
Tuy nhiên, ông Dũng cũng lưu ý đánh thuế bất động sản, nhà ở là chính sách mới nên việc nghiên cứu, đề xuất cần thấu đáo, toàn diện. Khi xây dựng chính sách cụ thể cần đánh giá tác động đầy đủ, đến các đối tượng chịu tác động của chính sách, doanh nghiệp kinh doanh, người dân, bên bán, bên mua, bên thuê.
“Chính sách này phải phù hợp với thông lệ quốc tế, điều kiện cụ thể phát triển kinh tế - xã hội trong nước, bảo đảm hài hòa lợi ích, tránh tác động tiêu cực đến thị trường, đến hoạt động kinh doanh, giao dịch bất động sản,” ông Dũng nói thêm.
Ngoài ra, ông Dũng cũng cho biết nhằm giảm giá nhà ở, bất động sản và ổn định thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đã đề xuất Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Văn phòng Chính phủ một số giải pháp như: Thực hiện có hiệu quả các chính sách, pháp luật liên quan lĩnh vực bất động sản mới được ban hành như Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 và các văn bản quy định chi tiết.
Bộ Xây dựng cũng đề xuất nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện các quy định liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, theo hướng: Tăng tiền đặt cọc, xác định giá đất khởi điểm đem đấu sát tình hình thực tế khu vực, rút ngắn thời gian nộp tiền trúng đấu giá, hạn chế người tham gia đấu giá với mục đích đầu cơ; nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét thí điểm mô hình “Trung tâm giao dịch bất động sản và quyền sử dụng đất do Nhà nước quản lý” nhằm hạn chế tình trạng sàn giao dịch bất động sản, hoạt động môi giới bất động sản có thể cấu kết gây nhiễu loạn thị trường.
Cùng với đó, các bộ, ngành liên quan và các địa phương cần nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án, triển khai thực hiện các dự án bất động sản, hoạt động kinh doanh bất động sản để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo thẩm quyền, quy định của pháp luật; tăng cường kiểm tra, giám soát, quản lý có hiệu quả hoạt động kinh doanh dịch vụ bất động sản, dịch vụ sàn giao dịch bất động sản, dịch vụ môi giới bất động sản; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản.
“Thời gian tới, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành có liên quan và các địa phương để theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường bất động sản. Qua đó kịp thời phát hiện các yếu tố bất thường để phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có các giải pháp phù hợp theo tình hình thực tế nhằm bảo đảm thị trường bất động sản phát triển ổn định, an toàn, lành mạnh,” ông Dũng nói./.