Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, trên thực tế vẫn còn rất nhiều hộ nghèo, cận nghèo trong cả nước cần hỗ trợ về nhà ở.
Tổng số hộ nghèo và hộ cận nghèo trên cả nước là 1.586.336 hộ; trong đó, có khoảng 315.000 hộ thiếu hụt về chất lượng nhà ở. Như vậy, dự kiến số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo cần hỗ trợ về nhà ở trên cả nước rất lớn.
Tại Nghị quyết số 109/NQ-CP về việc thành lập Quỹ cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Xây dựng: “Khẩn trương soạn thảo, trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy định cụ thể đối tượng, định mức hỗ trợ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền phê duyệt chi hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát sử dụng nguồn chi từ Quỹ và các quy định liên quan đến tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ sử dụng nguồn chi hỗ trợ từ Quỹ đảm bảo chặt chẽ, không trùng lắp với các hoạt động hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước.”
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, nhiệm vụ trên cũng được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Xây dựng tại Quyết định số 656/QĐ-TTg về thành lập Quỹ cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được, xác định những vấn đề tồn tại, vướng mắc, đồng thời trên cơ sở ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương, hiện Bộ Xây dựng đang hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Để góp phần giải quyết nhu cầu hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát còn rất lớn hiện nay, trong giai đoạn 2021-2025, hiện có 2 Chương trình mục tiêu quốc gia có nội dung hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo khó khăn.
Cụ thể: Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ năm 2021-2025 (theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ ) và Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ).
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cho biết phạm vi thực hiện của 2 chương trình mục tiêu này không bao phủ khắp cả nước mà chỉ thực hiện hỗ trợ đối với hộ nghèo tại vùng dân tộc thiểu số, miền núi và hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các huyện nghèo được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Bên cạnh đó, do nguồn kinh phí được phê duyệt còn hạn chế, số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo cần hỗ trợ về nhà ở lớn nên độ bao phủ của các chương trình mục tiêu quốc gia này đối với đối tượng thụ hưởng của chương trình vẫn chưa được bao phủ hết.
Thời gian qua, đã có nhiều chính sách hỗ trợ về nhà ở, đặc biệt là hỗ trợ nhà ở đối với các hộ nghèo được ban hành. Thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở đã có hơn 1 triệu căn nhà tạo điều kiện cho khoảng 4 triệu người có công, hộ nghèo có nhà ở an toàn, ổn định hơn trong cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo, góp phần an sinh xã hội. Tuy nhiên, một số chính sách hỗ trợ nhà ở này hiện nay đã kết thúc.
Trên cơ sở tổng hợp văn bản báo cáo tổng kết của các địa phương cũng như tại các cuộc họp Quốc hội, cử tri, Bộ Xây dựng đã nhận được nhiều kiến nghị liên quan đến việc tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo có khó khăn về nhà ở, đang sống trong những căn nhà tạm, nhà dột nát, không bảo đảm về diện tích tối thiểu và chất lượng nhà ở theo quy định.
Nhà ở là một trong những nhu cầu thiết yếu trong đời sống con người. Đối với mỗi gia đình, nhà ở là tài sản có giá trị rất lớn. Trong điều kiện nền kinh tế còn chậm phát triển, thu nhập bình quân đầu người còn thấp thì việc tự tạo lập nhà ở tương đối khang trang, chắc chắn là vấn đề khó khăn đối với nhiều hộ gia đình, đặc biệt là đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Do vậy, việc nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách về hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo xóa nhà tạm, nhà dột nát là rất cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu và cải thiện chất lượng nhà ở ngày một tốt hơn cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng thời nâng cao mức sống, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, tạo điều kiện phát triển nguồn lực con người và giảm tỷ lệ hộ nghèo về nhà ở theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “không ai bị bỏ lại phía sau,” Bộ Xây dựng thông tin.
Trên cơ sở đánh giá các kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế trong việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Quyết định về hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Mục tiêu đặt ra đảm bảo tính khả thi, thống nhất, phù hợp với thực tế cũng như điều kiện kinh tế của đất nước. Đồng thời, đảm bảo tính xã hội hóa trong thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có khó khăn về nhà ở, thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo bằng nhiều nguồn lực trong xã hội theo phương châm: Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tự tổ chức xây dựng nhà ở.
Bên cạnh đó, đảm bảo không có sự trùng lặp đối tượng thụ hưởng với các cơ chế, chính sách hỗ trợ về nhà ở khác; phát huy tính tích cực, chủ động tham gia xây dựng cải thiện nhà ở của chính các hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Đặc biệt chú trọng đảm bảo cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhà ở chắc chắn, an toàn, kể cả với các loại hình thiên tai thường xuyên của vùng, miền, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững, xóa bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát./.
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 102/CĐ-TTg ngày 06/10/2024 về việc đẩy mạnh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.