Xóa nhà tạm: Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với từng trường hợp cụ thể

Bà Rịa-Vũng Tàu triển khai nhiều giải pháp xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh; tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc cụ thể với từng trường hợp hộ nghèo mà chưa có nhà ở.

Lễ bàn giao nhà Đại đoàn kết tại huyện Xuyên Mộc. (Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu)
Lễ bàn giao nhà Đại đoàn kết tại huyện Xuyên Mộc. (Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu)

Ngày 23/10, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ đã chủ trì cuộc họp về thực hiện giảm nghèo và xóa nhà dột, nát.

Ông Nguyễn Văn Thọ giao Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tổng hợp các mô hình, cách làm giảm nghèo hiệu quả để nhân rộng, nhất là giải quyết việc làm cho đối tượng thuộc hộ nghèo đang trong tuổi lao động để thoát nghèo bền vững.

Đối với nhà tạm, dột nát, các địa phương tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc cụ thể từng trường hợp hộ nghèo mà chưa có nhà ở. Sở Xây dựng cần quan tâm cơ chế chính sách xây dựng phát triển nhà ở xã hội ở khu vực nông thôn trong đó có bố trí cho người nghèo, gia đình chính sách để ổn định cuộc sống.

Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Trần Quốc Khánh thông tin, đến cuối năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn của tỉnh giảm còn 0,35%, tương đương 1.138 hộ, vượt kế hoạch đề ra. Dự kiến đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn của tỉnh giảm còn 0,26%.

Nhiệm vụ chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo được triển khai thực hiện bảo đảm hoàn thành kế hoạch đề ra.

Các chính sách giảm nghèo đã được hướng dẫn, thực hiện kịp thời, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng, đảm bảo quyền lợi cho người nghèo (cấp thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ vay vốn, tiền điện, miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho con hộ nghèo kịp thời).

Nguồn vốn bố trí để thực hiện rất đa dạng, trong đó có hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi, hỗ trợ về y tế, giáo dục, trợ cấp tiền điện, hỗ trợ các hộ nghèo tham gia dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo... được ưu tiên bố trí đầy đủ, kịp thời.

Ngoài ra, hằng năm Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên huy động sự đóng góp của các cá nhân, doanh nghiệp để hỗ trợ cho hộ nghèo về nhà ở, cấp học bổng cho học sinh nghèo hiếu học, thăm hỏi tặng quà dịp lễ, Tết…

Từ năm 2021 đến nay, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là gần 958 tỷ đồng, đạt gần 83% nguồn vốn dự kiến thực hiện giai đoạn 2021-2025 (vốn Trung ương hơn 315 tỷ đồng, địa phương gần 560 tỷ đồng, huy động hơn 82 tỷ đồng).

Số hộ nghèo của tỉnh có nhu cầu về nhà trong năm 2024 là 222; trong đó, hộ nghèo đủ điều kiện xây mới nhà Đại đoàn kết là 27, có nhu cầu sửa chữa là 52 hộ; hộ nghèo có nhu cầu về nhà ở nhưng không đủ điều kiện để xây là 143 hộ.

Đây là những hộ đang ở trên đất nông nghiệp, đất quy hoạch, đang ở nhà trọ, ở nhờ, đất không có giấy tờ hoặc giấy tờ viết tay, ở trên đất công, đất phòng hộ, đất do nhà nước quản lý…

Đến nay, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã chủ trì, phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, các địa phương khảo sát, thẩm định hộ nghèo có đủ điều kiện xây mới và sửa nhà Đại đoàn kết.

Tỉnh đã hoàn thành xây mới 19/27 căn nhà và sửa chữa 44/52 căn nhà Đại đoàn kết.

Công tác "xóa nhà tạm, nhà dột nát" đã được các bên liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, tổ chức, các nhà hảo tâm tích cực hưởng ứng, đóng góp xây dựng Quỹ “Vì người nghèo,” chương trình an sinh xã hội…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục