Hơn một triệu thí sinh thi tốt nghiệp THPT mở đầu bằng môn ngữ văn

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước có trên 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi. Ngành giáo dục đã bố trí 2.273 điểm thi với 44.661 phòng thi.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Sáng nay, 28/6, hơn một triệu thí sinh trên cả nước đã chính thức bước vào Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2023 với môn thi đầu tiên, môn Ngữ văn, theo hình thức thi tự luận trong thời gian làm bài 120 phút. Đây cũng là môn thi tự luận duy nhất của kỳ thi.

Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông được đánh giá là kỳ thi quan trọng nhất của thí sinh sau 12 năm miệt mài đèn sách khi kết quả thi không chỉ để xét công nhận tốt nghiệp mà còn được nhiều trường đại học sử dụng để xét tuyển đầu vào. Dù các trường đại học đều sử dụng đa dạng các phương thức xét tuyển khác nhau nhưng xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông vẫn là phương thức chiếm tỷ lệ thí sinh nhập học lớn nhất.

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2023, kỳ thi năm nay cơ bản giữ ổn định như năm 2023, chỉ thay đổi một số điểm nhằm tăng cường an ninh, an toàn cho kỳ thi và đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.

Trong đó, điểm mới đáng lưu ý nhất với thí sinh là việc sửa đổi quy định về các vật dụng được mang vào phòng thi. Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ quy định cho phép thí sinh được mang các loại máy ghi âm, ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin nhưng không thể nghe, xem và không thể truyền, nhận được thông tin, tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác vào phòng thi.

[Thi tốt nghiệp THPT: Hoàn tất chuẩn bị, sẵn sàng trước giờ G]

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước có trên 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi. Ngành giáo dục đã bố trí 2.273 điểm thi với 44.661 phòng thi.

Để chuẩn bị cho kỳ thi, các địa phương đã huy động nhiều nguồn nhân lực, vật lực, với sự tham gia hỗ trợ của nhiều ban ngành, từ y tế đến công an, đoàn thanh niên…dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ủy ban nhân dân các tỉnh, thành.

Vơi quan điểm không để thí sinh nào phải bỏ thi, các địa phương đều đã có giải pháp để hỗ trợ thí sinh khó khăn. Tại Bắc Kạn, các thí sinh vùng khó được bố trí chỗ ăn, ở trong những ngày thi, có lực lượng thanh niên tình nguyện hỗ trợ. Tại Thái Nguyên, thí sinh ở xa được lo chỗ nghỉ tại nhà công vụ hoặc nhà dân xung quanh điểm thi. Tại Lạng Sơn, thí sinh vùng ngập lụt được giáo viên đội mưa về tận nhà đưa đến điểm thi. Tại Phú Thọ, công an huyện Cẩm Khê phải dùng xe chuyên dụng chở thí sinh đến điểm thi khi đường bị ngập vì mưa lớn.

Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ Thủ tướng Chính phủ với chỉ thị về công tác chuẩn bị thi đến lãnh đạo ủy ban nhân dân các tỉnh, thành trên cả nước, lãnh đạo các bộ ngành và sự căng sức trong tổ chức thi của ngành giáo dục đã tạo mọi điều kiện tốt nhất giúp thí sinh có kỳ thi an toàn, nghiêm túc, khách quan, công bằng.

“Cơ sở vật chất điểm thi rất tốt, các thầy cô làm công tác thi cũng rất thân thiện, nhiệt tình giúp em tình phòng thi được nhanh chóng hơn, dặn dò chúng em cẩn thận trước khi thi nên em cũng bớt lo lắng và hồi hộp. Em mong sẽ đạt kết quả thi tốt nhất,’ thí sinh Lê Mai Tú Anh, học sinh Trường Trung học phổ thông Việt Nam-Ba Lan (Hoàng Mai, Hà Nội) nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục