Hong Kong tịch thu số lượng kỷ lục sừng tê giác tại sân bay

Số sừng tê giác được cất giấu trong hai thùng carton, xuất phát từ thành phố Johannesburg, Nam Phi, với ước tính tổng trị giá của lô hàng là khoảng 1 triệu USD.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 15/2, Hải quan Hong Kong (Trung Quốc) cho biết đã bắt giữ hai đối tượng vận chuyển ít nhất 24 chiếc sừng tê giác tại sân bay Hong Kong.

Đây là số lượng kỷ lục sừng tê giác vận chuyển bằng đường hàng không bị hải quan Hong Kong thu giữ.

Theo thông báo, số sừng tê giác được cất giấu trong hai thùng carton, xuất phát từ thành phố Johannesburg, Nam Phi. Ước tính tổng trị giá của lô hàng là khoảng 1 triệu USD. Hiện chưa có thông tin về quốc tịch của những đối tượng vận chuyển sừng tê giác bị bắt giữ.

[Video] Trung Quốc cấm dùng sừng tê giác, xương hổ làm thuốc

Một tổ chức bảo vệ môi trường ở Hong Kong cho biết số sừng tê giác có khối lượng khoảng 40kg, là vụ tịch thu lớn nhất từ trước đến nay, chiếm khoảng 20% tổng lượng sừng tê giác bị thu giữ ở Hong Kong trong 5 năm qua.

Trước đó, ngày 1/2, Hải quan Hong Kong cũng thông báo đã tịch thu một lượng lớn kỷ lục vảy tê tê. Theo đó, trong cuộc điều tra chung với hải quan đại lục ngày 16/1, lực lượng chức năng đã tịch thu 8.300kg vảy tê tê và 2.100kg ngà voi có tổng trị giá 8 triệu USD.

Các nhóm bảo tồn động vật hoang dã kêu gọi nhà chức trách Hong Kong mạnh tay hơn nữa để trấn áp nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp bằng cách loại bỏ các kẽ hở pháp luật và các bản án quá nhẹ.

Các nhà bảo vệ động vật hoang dã cho biết số hàng hóa buôn lậu liên quan đến động vật hoang dã tại các cảng của Hong Kong có thể nhiều gấp từ 5-10 lần số lượng bị tịch thu, đồng thời kêu gọi chính quyền Hong Kong đưa tội buôn bán động vật hoang dã vào luật tội phạm có tổ chức áp dụng với những đối tượng buôn bán ma túy và xã hội đen.

Sừng tê giác được cho là một loại dược liệu có giá trị cao trong Đông y và được bán với giá cao trên thị trường chợ đen, mặc dù không có bằng chứng khoa học cụ thể nào về dược tính của sừng tê giác.

Nạn săn trộm tê giác lấy sừng đã khiến số lượng loài này giảm đáng kể trong những thập kỷ gần đây, trong đó Nam Phi - quốc gia có 80% số lượng tê giác trên toàn thế giới, bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Năm ngoái, 769 cá thể tê giác đã bị săn trộm ở nước này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục