Hợp tác địa phương, giao lưu nhân dân là nền tảng cho quan hệ Việt Nam-Thái Lan

Đại sứ Phạm Việt Hùng nhận định quan hệ hai nước đang phát triển tốt đẹp, trong đó hợp tác địa phương và giao lưu nhân dân là nền tảng cho sự phát triển lâu dài của quan hệ song phương.

Đại sứ Phạm Việt Hùng chụp ảnh lưu niệm với kiều bào tỉnh Yasothon. (Ảnh: Huy Tiến/TTXVN)
Đại sứ Phạm Việt Hùng chụp ảnh lưu niệm với kiều bào tỉnh Yasothon. (Ảnh: Huy Tiến/TTXVN)

Hợp tác địa phương và giao lưu nhân dân là nền tảng cho sự phát triển lâu dài của quan hệ song phương Việt Nam-Thái Lan là khẳng định của Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Phạm Việt Hùng trong chuyến công tác tới thăm cộng đồng kiều bào tại một số tỉnh vùng Đông Bắc Thái Lan từ ngày 7-10/10, kết hợp làm việc với chính quyền các địa phương nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác hai nước.

Gặp gỡ cộng đồng các tỉnh Ubon Ratchathani, Amnat Charoen và Yasothon, Đại sứ Phạm Việt Hùng bày tỏ vui mừng khi thấy bà con kiều bào có cuộc sống ổn định, nhiều người thành đạt, cùng chung sức xây dựng cộng đồng và đóng góp cho sự phát triển của địa phương mình sinh sống cũng như quan hệ hai nước Việt Nam-Thái Lan.

Nhiều năm qua bà con vẫn nhớ và hướng về quê hương, đất nước, gìn giữ những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau. Điều này được thể hiện rõ nét qua đợt quyên góp hỗ trợ đồng bào trong nước bị ảnh hưởng bởi bão Yagi vừa qua.

ttxvn-viet_nam-thai_lan3.jpg
Đại sứ Phạm Việt Hùng gặp gỡ cộng đồng kiều bào tỉnh Ubon Ratchathani. (Ảnh: Đỗ Sinh/TTXVN)

Đặc biệt, các nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam vẫn được duy trì, điển hình là tà áo dài truyền thống luôn được bà con trân trọng, thường xuyên sử dụng trong các dịp lễ, tết, sự kiện quan trọng của cộng đồng. Ẩm thực Việt Nam cũng được quảng bá rộng rãi, được người dân Thái Lan yêu thích.

Bên cạnh đó, Đại sứ Phạm Việt Hùng nhấn mạnh ngôn ngữ là nền tảng của văn hóa, là yếu tố rất quan trọng trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Dù việc duy trì tiếng Việt trong cộng đồng kiều bào tại Thái Lan gặp nhiều khó khăn, Đại sứ mong muốn bà con tiếp tục cố gắng giữ thói quen nói tiếng Việt trong gia đình, khuyến khích, động viên các thế hệ con em tìm hiểu, học tiếng Việt.

Cộng đồng người Việt tỉnh Ubon Ratchathani, Amnat Charoen và Yasothon có số lượng lần lượt là 2.000, 300 và 200 người. Đa phần bà con kiều bào đều có kinh tế ổn định, nhiều người thành đạt và có uy tín nhất định trong xã hội địa phương. Bà con đã thành lập được hội người Việt tại mỗi tỉnh, thường xuyên tổ chức họp mặt, các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, ẩm thực với người dân địa phương, góp phần gìn giữ và quảng bá văn hóa Việt Nam tại Thái Lan.

ttxvn-viet_nam-thai_lan2.jpg
Đại sứ Phạm Việt Hùng làm việc với Tỉnh trưởng tỉnh Ubon Ratchathani, ông Supasit Kocharoenyot. (Ảnh: Đỗ Sinh/TTXVN)

Trong chuyến công tác, Đại sứ Phạm Việt Hùng đã làm việc với Tỉnh trưởng Ubon Ratchathani và quyền Tỉnh trưởng Nakhon Phanom cùng các cơ quan hành chính tỉnh về tình hình và tiềm năng hợp tác địa phương hai nước Việt Nam-Thái Lan.

Đại sứ Phạm Việt Hùng nhận định quan hệ hai nước Việt Nam-Thái Lan đang phát triển tốt đẹp, trong đó hợp tác địa phương và giao lưu nhân dân là nền tảng cho sự phát triển lâu dài của quan hệ song phương.

Bày tỏ vui mừng được biết tỉnh Ubon Ratchathani và tỉnh Nakhon Phanom đều có nhiều hoạt động hợp tác với các địa phương Việt Nam cả về thương mại, du lịch và giáo dục, Đại sứ khẳng định Đại sứ quán luôn sẵn sàng là cầu nối trong thúc đẩy hợp tác địa phương giữa hai nước và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình phối hợp.

Nhân dịp này, Đại sứ Phạm Việt Hùng cũng gửi lời cảm ơn nhân dân và chính quyền hai tỉnh đã tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt ổn định cuộc sống, ngày càng hòa nhập và đóng góp cho sự phát triển chung của địa phương.

Về phía tỉnh Ubon Ratchathani, ông Supasit Kocharoenyot, Tỉnh trưởng tỉnh Ubon Ratchathani cho biết quan hệ hợp tác địa phương hai nước Thái Lan và Việt Nam rất chặt chẽ. Tỉnh Ubon có ký kết hợp tác với các tỉnh Quảng Nam và Quảng Trị, đồng thời có nhiều hoạt động giao lưu hợp tác với các địa phương khác của Việt Nam như Kon Tum, Thừa Thiên-Huế. Ông cũng cho biết hiện có nhiều doanh nhân người gốc Việt tham gia các hoạt động kinh doanh, đóng góp cho kinh tế của tỉnh. Trong tương lai, tỉnh có kế hoạch tổ chức gặp mặt doanh nhân hai nước Thái Lan-Việt Nam.

Ngoài ra, trường Đại học Hoàng gia Ubon Ratchathani cũng ký kết hợp tác với nhiều trường đại học của Việt Nam, các trường cũng thường xuyên tổ chức giao lưu thể thao, văn hóa. Trường đã tiếp nhận sinh viên Việt Nam sang du học kể từ năm 2009.

ttxvn-viet_nam-thai_lan.jpg
Đại sứ Phạm Việt Hùng (trái) làm việc với Tỉnh trưởng tỉnh Nakhon Phanom, bà Ranida Luengthitisakul. (Ảnh: Huy Tiến/TTXVN)

Tại buổi làm việc với bà Ranida Luengthitisakul, quyền Tỉnh trưởng Nakhon Phanom, bà Ranida cho biết cộng đồng người Việt là cộng đồng ngoại kiều có số lượng lớn, sống hòa nhập với người dân địa phương, mối quan hệ giữa người dân hai nước hết sức tốt đẹp.

Hội Thái-Việt tỉnh Nakhon Phanom cũng có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của tỉnh. Nakhon Phanom cũng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đặt chân tới, với Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được cộng đồng người Việt xây dựng và trở thành địa điểm thu hút khách du lịch.

Phía tỉnh Nakhon Phanom cũng cho biết tỉnh có nhiều hoạt động hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực du lịch, giáo dục, xuất nhập khẩu. Đặc biệt, trường Đại học Nakhon Phanom đã ký kết hợp tác với rất nhiều trường đại học của Việt Nam, gần đây nhất là Đại học Vinh và Đại học Hà Tĩnh. Trong 20 năm qua, trường đã tiếp nhận gần 1.000 lưu học sinh Việt Nam sang Thái Lan học tập.

Tỉnh Nakhon Phanom cho biết luôn sẵn sàng đón tiếp các nhà đầu tư Việt Nam, mong muốn hai bên tăng cường hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực du lịch và thương mại, đặc biệt là về mảng hậu cần./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục