Sáng 8/12, tại Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) và Tổ chức doanh nghiệp Cooperative Verniging SNB (React) U.A khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về việc phối hợp trong đấu tranh chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Lễ ký kết hướng tới mục tiêu tăng cường hiệu quả kiểm tra, giám sát thị trường nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi sản xuất, tàng trữ, trưng bày, vận chuyển, buôn bán hàng hóa là hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của các thành viên trong React theo quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam.
Chia sẻ tại lễ ký kết, Phó Tổng Cục trưởng Nguyễn Thanh Bình cho biết lực lượng quản lý thị trường đã triển khai nhiều biện pháp, xây dựng nhiều kế hoạch kiểm tra, kiểm soát chống các hành vi xâm phạm quyền sở hữu tuệ, hàng giả và gian lận thương mại. Qua đó, lược lượng đã bước đầu thu được nhiều kết quả khả quan và trở thành lực lượng quan trọng trong chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên thị trường nội địa.
Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa đạt được như kỳ vọng, công tác chống hàng giả vẫn chưa mang lại hiệu quả cao bởi phương thức, thủ đoạn sản xuất, buôn bán ngày càng tinh vi, phức tạp; cơ chế thực thi còn chống chéo; hạn chế về nguồn lực; nhận thức của cộng đồng chưa được nâng cao... Đặc biệt, nguyên nhân chính là sự phối hợp giữa cơ quan thực thi và doanh nghiệp còn nhiều hạn chế.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, chỉ có doanh nghiệp mới biết rõ nhất về sản phẩm do mình sản xuất, phân phối trên thị trường. Vì vậy, việc phối hợp cung cấp thông tin của doanh nghiệp chủ thể quyền đóng vai trò quan trọng trong công tác chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp, lâu dài đòi hỏi sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng và sự tham gia tích cực của toàn xã hội.
Do đó, quản lý thị trường sẵn sàng chia sẻ thông tin về cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, minh bạch hóa các quy trình, thủ tục xử lý các hành vi vi phạm.
[Chống hàng giả: Công cụ hữu hiệu bảo vệ người tiêu dùng, doanh nghiệp]
Mặt khác, lực lượng luôn tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia vào quá trình điều tra, xử lý của quản lý thị trường khi cần thiết để rút ngắn thời gian và tăng cường hiệu quả điều tra; xử lý trong thời gian sớm nhất khiếu nại của các thành viên React liên quan đến các hành vi vi phạm.
Lực lượng sẵn sàng lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp về các khó khăn, vướng mắc trong cơ chế phối hợp nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ quan thực thi.
Do vậy, việc ký kết Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giữa Tổng cục Quản lý thị trường và React thể hiện sự hợp tác bài bản, chặt chẽ, có sức ảnh hưởng trên phạm vi toàn quốc. Hơn nữa, qua đây thể hiện sự quyết tâm của hai bên trong đấu tranh chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Giới thiệu về React, ông Jonathan Selvasegaram Giám đốc phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cho biết đây là tổ chức doanh nghiệp SNN React U.A có trụ sở tại Hà Lan và là tổ chức phi lợi nhuận với gần 30 năm kinh nghiệm trong công tác chống hàng giả.
React có hơn 320 thành viên là các công ty, tập đoàn lớn trên thế giới với những nhãn hiệu trong nhiều lĩnh vực như may mặc, hóa mỹ phẩm, điện tử, truyền thông, công nghệ thông tin, nông nghiệp, thực phẩm, dược phẩm...
Đặc biệt, React có một mạng lưới quốc tế với nhiều văn phòng và đối tác chiến lược tại nhiều quốc gia, có nhiệm vụ hợp tác, phối hợp với cơ quan hữu quan tại các quốc gia để chống hàng giả, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các thành viên.
Trong 2 năm trở lại đây, React đã thành lập thêm 5 văn phòng chính tại khu vực châu Á, trụ sở đặt tại các nước, vùng lãnh thổ Malaysia, Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ và Hong Kong (Trung Quốc).
“Các thành viên của React đánh giá rất cao hiệu quả của việc chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng của các lực lượng chức năng tại Việt Nam nói chung và lực lượng quản lý thị trường nói riêng. Các nhãn hiệu mong muốn có sự hỗ trợ, hợp tác của lực lượng quản lý thị trường trong việc bảo vệ thương hiệu, bảo vệ sản phẩm của doanh nghiệp," ông Jonathan Selvasegaram thông tin.
Sau khi ký kết, hai bên sẽ cùng nhau xây dựng các chương trình hành động; các kế hoạch kiểm tra, kiểm soát, tập trung vào từng loại mặt hàng, từng lĩnh vực, trong từng thời gian cụ thể với mục tiêu kiểm tra, xử lý có hiệu quả hàng giả, hàng xâm phạm quyền của doanh nghiệp thành viên của React, góp phần nâng cao hiệu quả chống hàng giả nói chung./.