"Hợp tác Singapore-Việt Nam dựa trên nền tảng hiểu biết lẫn nhau"

Theo Bộ trưởng Vivian Balakrishnan, chuyến thăm Singapore tới đây của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là cơ hội để tăng cường hợp tác giữa hai nước và thúc đẩy mối quan hệ song phương bền chặt.
Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan trong dịp thăm chính thức Việt Nam, ngày 21/6/2021. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới Singapore từ ngày 24-26/2, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Singapore đã phỏng vấn Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan về ý nghĩa chuyến thăm đối với quan hệ và triển vọng hợp tác giữa hai nước.

Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn.

- Việt Nam và Singapore đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 1/8/1973. Xin Bộ trưởng đánh giá về những thành tựu đã đạt được trong quan hệ Việt Nam-Singapore gần 50 năm qua và sự hợp tác giữa hai nước trong bối cảnh hiện nay?

Bộ trưởng Vivian Balakrishnan: Từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973 đến nay, quan hệ Singapore-Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ. Hiện hai nước đang hợp tác sâu rộng trong nhiều lĩnh vực, dựa trên nền tảng quan hệ hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau.

Có ba lý do chính giải thích cho điều này: mức độ tin tưởng cao ở cấp độ chính trị, quan hệ đối tác cùng thắng lâu đời và quan hệ chặt chẽ giữa người dân hai nước chúng ta.

Các thế hệ lãnh đạo hai nước đã tăng cường sự hiểu biết và mức độ tin cậy chính trị cao, thường xuyên có những trao đổi song phương, có các cuộc tiếp xúc tại các diễn đàn khu vực và đa phương. Bất chấp sự gián đoạn do đại dịch COVID-19 gây ra, Singapore và Việt Nam vẫn tìm được những cách thức duy trì tiếp xúc giữa hai bên.

Sau Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, Thủ tướng Lý Hiển Long đã gọi điện chúc mừng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Phạm Minh Chính trên cương vị mới. Thủ tướng hai nước đã gặp gỡ trực tiếp tại Jakarta bên lề Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào tháng 4/2021.

Tháng 6/2021, tôi rất vinh dự là bộ trưởng ngoại giao nước ngoài đầu tiên đến thăm Việt Nam kể từ sau Đại hội XIII, cũng là bộ trưởng đầu tiên của Singapore thăm Việt Nam kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Tôi đã có các cuộc trao đổi rất hữu ích với các nhà lãnh đạo Việt Nam, trong đó có người đồng cấp của tôi, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và từ đó chúng tôi vẫn thường xuyên trao đổi.

Duy trì mối quan hệ giữa Quốc hội hai nước, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ đã có cuộc hội đàm trực tuyến với Chủ tịch Quốc hội Singapore Tan Chuan-Jin vào tháng 7/2021.

Đồng thời, trong lĩnh vực thương mại và đầu tư, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng thứ hai Bộ Thương mại và Công nghiệp Tan See Leng đã đồng chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Kết nối lần thứ 15 vào tháng 11/2021 diễn ra dưới hình thức trực tuyến.

Do lợi ích chia sẻ giữa hai nước, chương trình nghị sự song phương trong quan hệ đối tác giữa Singapore và Việt Nam là đầy đủ và tích cực. Tôi muốn nêu bật hai lĩnh vực cụ thể: Các liên kết kinh tế và hợp tác lâu đời giữa hai nước về phát triển nguồn nhân lực.

Hợp tác kinh tế là nền tảng trong quan hệ Singapore và Việt Nam. Các công ty Singapore coi Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn. Việt Nam đã chứng kiến tăng trưởng và phát triển nhanh kể từ giai đoạn Đổi mới năm 1986. Việt Nam đã liên tục đạt được tốc độ tăng trưởng GDP cao.

Với gần 100 triệu dân, đa phần là dân số trẻ và chăm chỉ, Việt Nam có điều kiện thuận lợi để trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng và hội nhập kinh tế trong khu vực.

Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới đạt được tăng trưởng kinh tế dương trong năm 2020 trong bối cảnh dịch bệnh. Điều này cho thấy độ dẻo dai của nền kinh tế Việt Nam, vốn được kỳ vọng sẽ là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất của khu vực trong năm 2022.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao đổi quà lưu niệm với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Cộng hòa Singapore Vivian Balakrishnan tại Phủ Chủ tịch, chiều 21/6/2021. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Các công ty Singapore đang rất hăng hái góp mặt vào “câu chuyện” tăng trưởng của Việt Nam. Bất chấp dịch bệnh, họ nhìn thấy cơ hội để đa dạng hóa và mở rộng sự hiện diện ở Việt Nam. Về tổng thể, Singapore là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn thứ ba vào Việt Nam, sau Nhật Bản và Hàn Quốc, trong đó có hai năm liên tiếp mới đây dẫn đầu về rót vốn FDI cho Việt Nam.

Với tổng vốn đầu tư tích lũy trị giá 62,55 tỷ USD với hơn 2.600 dự án ở 45/63 tỉnh thành của Việt Nam. Singapore cũng là nhà đầu tư hàng đầu trong ASEAN vào Việt Nam. Chúng tôi liên tục là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.

[Báo chí Singapore đưa tin về chuyến thăm của Chủ tịch nước Việt Nam]

Các Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) là các dự án hình mẫu trong quan hệ hai nước. Trong 25 năm kể từ khi VSIP đầu tiên được thành lập, đến nay đã có 10 khu ở 7 địa phương, thu hút 14 tỷ USD đầu tư và tạo hơn 270.000 việc làm ở Việt Nam.

Các VSIP cũng đang nỗ lực để duy trì thích ứng bằng việc tích hợp đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững cho phù hợp với các ngành nghề trong tương lai.

Khi Việt Nam phát triển thành quốc gia có thu nhập trung bình, các công ty của Singapore tiếp tục tìm kiếm những cơ hội mới trong các lĩnh vực như thương mại điện tử, logistics, giáo dục, dịch vụ ăn uống và lối sống, và các giải pháp đô thị.

Singapore và Việt Nam cũng là những đối tác lâu đời trong phát triển nguồn nhân lực, và hai bên đều tin rằng đây là yếu tố then chốt đối với sự tiến bộ và phát triển bền vững.

Việt Nam vẫn là đối tác hàng đầu của Chương trình hợp tác Singapore (SCP) với hơn 20.000 quan chức Việt Nam tham gia các khóa học của chúng tôi kể từ năm 2002. Năm 2021, hai nước đã kỷ niệm 20 năm thành lập Trung tâm hợp tác Việt Nam-Singapore.

Tôi đặc biệt tự hào rằng trong bối cảnh có những gián đoạn do đại dịch gây ra, các chương trình đào tạo giữa hai nước chưa bao giờ bị trì hoãn. Trong hai năm qua, chúng tôi đã nâng cấp Trung tâm để chuyển đổi sang các khóa học trực tuyến và đã triển khai 36 khóa học trực tuyến cho hơn 600 quan chức.

Mối quan hệ và sự tương tác thường xuyên giữa người dân hai nước, hai dân tộc cũng góp phần thúc đẩy quan hệ song phương. Trong nhiều năm qua, người dân hai nước đã tạo dựng được những mối liên kết lâu dài thông qua trao đổi giáo dục và du lịch.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan, ngày 21/6/2021 tại Hà Nội. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Nhiều người Việt Nam quan tâm đến việc học tập ở Singapore. Hiện Singapore có nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam học tập tốt trong các trường phổ thông và đại học, một số trong đó đã giành được học bổng. Các cơ sở giáo dục của Singapore cũng mong muốn có các chương trình trao đổi và tham quan học tập với các đối tác Việt Nam nhằm nâng cao kiến thức và làm sâu sắc thêm sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước.

Bên cạnh đó, du lịch cũng giúp tăng cường các mối liên kết giữa nhân dân hai nước. Việt Nam là một trong những điểm đến ưa thích của người dân Singapore. Mối quan tâm này đến từ cả hai phía. Các khảo sát được Tổng cục Du lịch Singapore thực hiện vào năm 2021 cho thấy Singapore nằm trong số những điểm đến hàng đầu mà người dân Việt Nam mong muốn đến thăm khi những hạn chế đi lại được dỡ bỏ.

- Theo Bộ trưởng, chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có ý nghĩa như thế nào đối với quan hệ song phương và triển vọng hợp tác giữa hai nước thời gian tới?

Bộ trưởng Vivian Balakrishnan: Chúng tôi nhiệt liệt chào đón Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến thăm Singapore. Đây là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên mà Singapore đón tiếp kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Chuyến thăm là cơ hội để tái khẳng định mối quan hệ song phương bền chặt giữa Singapore và Việt Nam, tăng cường hợp tác giữa hai nước và thảo luận những cách thức nhằm thúc đẩy mối quan hệ song phương trong giai đoạn phục hồi hậu đại dịch COVID-19.

Singapore mong muốn duy trì mối quan hệ đối tác với Việt Nam trong tương lai bằng việc mở rộng sang các lĩnh vực mới nổi và hợp tác trong chương mới của quá trình phát triển. Năm 2023 chúng ta sẽ kỷ niệm 50 năm quan hệ song phương và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược.

Theo tôi, có hai lĩnh vực nổi bật trong quan hệ hai nước thời gian tới. Thứ nhất, chúng ta cần đẩy nhanh hợp tác về kinh tế số. Đây là ưu tiên đối với cả Singapore lẫn Việt Nam, bao gồm nhiều lĩnh vực mới như an ninh mạng, thành phố thông minh, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo và thanh toán số.

COVID-19 đã làm nổi bật vai trò quan trọng của thương mại số và thương mại điện tử trong việc đảm bảo sự phục hồi của chuỗi cung ứng và tính liên tục của hoạt động kinh doanh.

Trong chuyến thăm của tôi đến Việt Nam năm 2021, hai bên đã nhất trí thiết lập Nhóm làm việc kinh tế số để xác định các lĩnh vực hợp tác hữu ích. Tôi tin tưởng rằng Nhóm làm việc sẽ là bệ phóng cho nhiều hoạt động hợp tác cụ thể giữa hai chính phủ, các doanh nghiệp và các tổ chức khác của hai nước.

Thứ hai là phát triển bền vững. Giống như COVID-19, biến đổi khí hậu là vấn đề mang tính toàn cầu chỉ có thể được giải quyết thông qua nỗ lực tập thể của các chính phủ và người dân trên toàn thế giới. Singapore mong muốn hợp tác với Việt Nam khi gia tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng bền vững và năng lượng tái tạo, với mục tiêu đầy tham vọng là đạt được không phát thải khí carbon vào năm 2050.

- Đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh mẽ đến Việt Nam, Singapore cũng như các quốc gia khác trên toàn thế giới. Xin Bộ trưởng cho biết Singapore và Việt Nam có thể hợp tác và hỗ trợ nhau như thế nào để vượt qua những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra?

Bộ trưởng Vivian Balakrishnan: Đại dịch đã thúc đẩy sự gắn kết bền chặt hơn giữa nhân dân hai nước. Cộng đồng người Singapore ở Việt Nam đã tích cực đóng góp cho những nỗ lực của Việt Nam ứng phó với làn sóng COVID-19 thứ tư vào năm ngoái.

Ở cấp chính phủ, hai nước đã hỗ trợ lẫn nhau trang thiết bị y tế quan trọng vào những thời điểm then chốt trong cuộc chiến chống dịch bệnh, hỗ trợ hồi hương công dân của nhau, đảm bảo họ được tiếp cận vaccine và được chăm sóc y tế. Cả hai bên đang cùng học cách sống chung với COVID-19 và hy vọng rằng có thể sớm tiến hành bước tiếp theo bằng việc nối lại đi lại an toàn giữa hai nước.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng và Bí thư thường trực Bộ Ngoại giao Singapore Chee Wee Kiong đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 14 Tham khảo chính trị Việt Nam-Singapore theo hình thức trực tuyến, hồi tháng 11 năm ngoái. (Ảnh: TTXVN)

Trong chuyến thăm của tôi đến Việt Nam vào tháng 6/2021, Singapore và Việt Nam đã nhất trí thiết lập nhóm làm việc song phương về y tế công cộng COVID-19 và các biện pháp kiểm soát biên giới, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc chia sẻ kiến thức về xử lý COVID-19, tiến tới nối lại hoạt động đi lại giữa hai nước vì mục đích công việc và cá nhân.

Singapore vinh dự nằm trong nhóm nước đầu tiên mà Việt Nam nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế trong năm nay. Chúng tôi hoan nghênh Việt Nam có kế hoạch dỡ bỏ các hạn chế đi lại vào giữa tháng Ba năm nay.

- Theo Bộ trưởng, Singapore và Việt Nam có thể tăng cường hợp tác như thế nào trong khuôn khổ ASEAN để đóng góp nhiều hơn vào giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế nhằm tăng cường vai trò và vị trí của ASEAN, cũng như đảm bảo lợi ích của các nước thành viên?

Bộ trưởng Vivian Balakrishnan: Singapore và Việt Nam cùng chia sẻ quan điểm chiến lược chung. Thứ nhất, là các quốc gia thành viên ASEAN, Singapore và Việt Nam cam kết mạnh mẽ với hòa bình và ổn định khu vực, cũng như vai trò trung tâm của ASEAN.

Những lợi ích của hai nước được đáp ứng tốt hơn khi ASEAN hùng mạnh, độc lập và đoàn kết, và khi chúng ta hợp tác nhằm đạt được sự thịnh vượng và phát triển với tư cách là một khu vực. Về mặt này, Singapore đánh giá cao vai trò mang tính xây dựng của Việt Nam kể từ khi gia nhập ASEAN vào năm 1995.

Vai trò này được thể hiện rõ ràng trong nhiệm kỳ chủ tịch ASEAN của Việt Nam năm 2020, khi các cơ chế quan trọng được thiết lập nhằm giúp khu vực có cách đối phó mang tính tập thể với cuộc khủng hoảng COVID-19.

Thứ hai, Singapore và Việt Nam đều ủng hộ mạnh mẽ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và luật pháp quốc tế. Điều quan trọng đối với cả các quốc gia nhỏ lẫn trung bình là đảm bảo rằng “những nguyên tắc của cuộc chơi” trong hệ thống quốc tế phải được tuân thủ và nguyên tắc “lẽ phải thuộc về kẻ mạnh” không tồn tại.

Thứ ba, hai nước đều cam kết mạnh mẽ với thương mại tự do. Singapore và Việt Nam đều là thành viên của Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Singapore và Việt Nam cũng là hai thành viên duy nhất của ASEAN có Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Liên minh châu Âu./.

Hoạt động sản xuất đầu năm 2022 tại Công ty TNHH Apparel Far Eastern (Việt Nam) đóng Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore, thành phố Thuận An (Bình Dương). (Ảnh: TTXVN)
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục