Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn, sau phần trả lời của Bộ trưởng Giao thông Vận tải, sáng 19/11, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đã đăng đàn, giải đáp các vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm.
Phần trả lời của Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền tập trung vào các nội dung: thực trạng và giải pháp giải quyết việc doanh nghiệp vi phạm các quy định của pháp luật lao động ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; tình hình và công tác quản lý người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; thực trạng thất nghiệp hiện nay, đặc biệt là sinh viên mới ra trường; giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao chất lượng lao động xuất khẩu, tăng mức trợ cấp xã hội để đảm bảo an sinh xã hội.
Hướng đến xây dựng lộ trình tiền lương bảo đảm mức sống tối thiểu
Trả lời đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) về tình hình lương trong doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp cổ phần hóa có thực hiện theo Bộ Luật Lao động năm 2012 hay không, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết Bộ Luật Lao động sửa đổi năm 2012 có hiệu lực thi hành từ 1/5/2013, trong đó có lĩnh vực về tiền lương.
Đối với tiền lương trong doanh nghiệp nhà nước đã có lộ trình thực hiện, Chính phủ và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực hiện Bộ Luật Lao động về nội dung này. Đồng thời, Bộ Lao động,Thương binh và Xã hội đã tham mưu với Chính phủ thành lập Hội đồng tiền lương quốc gia.
Hằng năm, Hội đồng có nhiệm vụ tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ trong việc xây dựng thang bảng lương trong các khu vực. Cùng với đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ hướng dẫn, các doanh nghiệp phải tự xây dựng thang bảng lương. Trong tháng 12, Bộ sẽ hướng dẫn các đơn vị thực hiện việc này.
Tuy nhiên, có thực tế trong quá trình hướng dẫn triển khai, khi các doanh nghiệp áp dụng thang bảng lương mới theo hướng dẫn của Luật, trong đó người lao động sẽ thực hiện việc đóng bảo hiểm gồm lương và các khoản thu nhập khác, thì phần thu nhập thêm này lại chưa xác định là khoản gì để đưa vào phần đóng bảo hiểm xã hội.
Bộ trưởng cho biết thời gian tới, Bộ Lao động,Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục thực hiện trách nhiệm của mình trong việc hướng dẫn thực hiện việc xây dựng thang bảng lương này.
Đồng tình với ý kiến của đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) là việc tăng tiền lương hiện nay vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nhận xét hiện nay tiền lương so với yêu cầu mức sống tối thiểu mới đạt trên 60%. Việc nâng lương được xây dựng theo lộ trình, theo đó, đến 2015-2016, tiền lương của người lao động sẽ đảm bảo mức sống tối thiểu, tuy nhiên, theo tình hình kinh tế và khả năng ngân sách, Bộ Chính trị đã có có yêu cầu cần "đi từng bước" theo khả năng ngân sách, giãn thời gian hướng đến lộ trình tiền lương phải bảo đảm mức sống tối thiểu.
Năm nay, do khả năng ngân sách, Hội đồng Tiền lương xác định nếu nâng lương sẽ không có nguồn. Chính vì vậy, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2015, dành 11.000 tỷ đồng để tăng lương cho các đối tượng hưu trí, trợ cấp ưu đãi người có công và tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp (hệ số lương từ 2,34 trở xuống) từ ngày 1/1/2015. Đây là quyết định nhân văn, tuy nhiên giải pháp này vẫn chưa giải quyết được căn cơ vấn đề tiền lương, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Giải đáp mối quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội về việc triển khai Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nêu rõ Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược và Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực.
Theo quy hoạch, giai đoạn đến 2015 sẽ có 55% lao động phải được qua đào tạo; đến 2020, 70% lao động phải qua đào tạo. Chiến lược cũng phân công nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành trong việc quy hoạch phát triển nguồn nhân lực.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tham mưu Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển dạy nghề, xây dựng chế độ chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào dạy nghề.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển 45 trường nghề chất lượng cao, trong đó có 10 trường đạt chuẩn quốc tế. Cùng với đó, Chính phủ đã đồng ý phê duyệt Đề án đổi mới công tác dạy nghề trong giai đoạn hiện nay. Thực hiện Đề án này, Chính phủ đã đồng ý việc trang bị thiết bị, đào tạo giáo viên để đáp ứng yêu cầu công nghệ trong giai đoạn hiện nay.
Tham gia giải trình thêm về trách nhiệm thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020,” Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết theo kế hoạch, giai đoạn 2011-2015 phải đào tạo được 4,7 triệu nông dân trong đó 1,6 triệu người làm nông nghiệp.
Tuy nhiên theo số liệu tổng hợp, đến hết năm 2015, dự kiến sẽ đào tạo được gần 1,1 triệu nông dân là không đạt mục tiêu đề ra. Theo Bộ trưởng, số lượng quan trọng nhưng hơn cả vẫn là việc đảm bảo chất lượng chất lượng đào tạo nghề.
Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với các bộ, ngành ban hành 132 chương trình và giáo trình của 132 nghề bám sát các quy trình sản xuất tiên tiến, yêu cầu cơ quan chức năng tiếp tục rà soát theo tiến bộ khoa học vào sản xuất; nâng cấp các cơ sở đào tạo nhất là các trường, trung tâm khuyến nông, tiếp tục hoàn thiện phương pháp đào tạo, dạy nghề ngay tại đồng ruộng, tàu cá chứ không phải ở nhà trường.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành sẽ phối hợp làm tốt công tác thông tin tư vấn nghề; gắn đào tạo nghề với kế hoạch phát triển sản xuất ở mỗi địa phương, nhất là trong khuôn khổ xây dựng chương trình nông thôn mới. Theo đó, các xã đều có quy hoạch sản xuất, lựa chọn mỗi xã những cây, con chính; ưu tiên đào tạo nông dân nòng cốt; điều chỉnh cách đào tạo nghề và chính sách đào tạo nông dân...
Giải quyết việc làm gắn với nhu cầu xã hội
Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) về trách nhiệm của Bộ Lao động,Thương binh và Xã hội trước thực trạng tính tới quý 3/2014 có tới 174.000 lao động tốt nghiệp đại học chưa có việc làm, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng hiện, số lượng sinh viên qua đào tạo cao đẳng, đại học nghề ra trường mỗi năm khoảng 800.000 người. Lực lượng này rất cần có việc làm, nhất là trong các gia đình phải vay tiền cho con em đi học.
Nguyên nhân của tình trạng thiếu việc làm hiện này là do tình hình kinh tế-xã hội khó khăn, doanh nghiệp phá sản nhiều; lao động qua đào tạo nghề còn hạn chế.
Số lao động qua học nghề tìm được việc làm chiếm khoảng 70% nhưng Việt Nam còn hạn chế trong lĩnh vực kỹ năng nghề và những nghề trình độ cao theo đòi hỏi của doanh nghiệp nước ngoài.
Theo Bộ trưởng, trong số lao động đã qua đào tạo sẽ có khoảng 60% lao động ở khu vực nông thôn có thể giúp gia đình những công việc về nông nghiệp; một số ít tìm thấy công việc ở thành phố hoặc làm việc cho các doanh nghiệp tại địa phương.
Trách nhiệm của Nhà nước là khuyến khích, tạo điều kiện cho thanh niên phát huy trình độ học vấn để làm đúng ngành, đúng nghề. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các Trung tâm xúc tiến việc làm ở địa phương tạo điều kiện cho thanh niên có cơ hội sớm tìm được việc làm.
Về giải pháp trước mắt và lâu dài giải quyết tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền chia sẻ việc đào tạo nguồn nhân lực mặc dù đã có quy hoạch và chiến lược phát triển nhưng tùy theo từng thời kỳ, chiến lược này phải phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế.
Việc nắm bắt nhu cầu thị trường là việc cần làm, vì vậy, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với các bộ, ngành chức năng định hướng công tác tuyển sinh; xây dựng quy hoạch tổng thể đào tạo gắn với thị trường lao động.
Trước mắt, đối với số sinh viên ra trường chưa có việc làm, phải đào tạo lại nghề cho phù hợp; xây dựng các chính sách hỗ trợ, ưu đãi, khuyến khích làm việc tại vùng sâu, vùng xa, phục vụ đồng bào dân tộc. Việc xây dựng các cơ chế khuyến khích sẽ tạo cơ hội phát huy sức trẻ của thanh niên.
Quản lý tốt lao động nước ngoài tại Việt Nam
Đối với quan tâm của đại biểu Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh), hiện nay, trong lúc nhiều doanh nghiệp phá sản, nhiều thanh niên ra trường thiếu việc làm nhưng vẫn có hiện tượng nhiều lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Bộ trưởng cho biết Chính phủ đã có Nghị định số 102/2013/NĐ-CP quy địnhh chi tiết thi hành một số điều của Bộ Luật lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, quy định rõ đối tượng lao động nước ngoài nào được vào làm việc tại Việt Nam. Theo đó, những lao động đó phải có trình độ chuyên môn, kỹ thuật đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp của Việt Nam (doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài làm việc tại Việt Nam).
Bộ trưởng thừa nhận thực tế, bên cạnh lao động nước ngoài có trình độ cao vẫn còn nhiều lao động nước ngoài không có trình độ chuyên môn kỹ thuật đang làm việc tại Việt Nam. Số này phần đông đi theo đường du lịch và là người Trung Quốc. Tổng số lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam hiện nay là 78.000 người, phần đông là lao động có chuyên môn kỹ thuật.
Trong chương trình phối hợp với các ngành liên quan, Bộ Lao động,Thương binh và Xã hội ký với Bộ Công an về việc thực hiện quản lý lao động ngoài nước. Đối với các đối tượng vi phạm sẽ được xử lý theo đúng quy định.
Đồng thời, Bộ cũng yêu cầu chủ sử dụng lao động công bố công khai nhu cầu tuyển dụng lao động rộng rãi để người lao động Việt Nam biết, tìm đến.
Bên cạnh đó, trên cơ sở Nghị định 102 của Chính phủ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục đề nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số yêu cầu để làm tốt công tác quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định.
Bảo đảm an sinh xã hội cho các đối tượng chính sách
Xung quanh các chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội theo câu hỏi của đại biểu Lê Minh Hiền (Khánh Hòa), Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nêu quan điểm Chính phủ đã có Nghị định số 136/2013/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và có hiệu lực từ 1/1/2014.
Với trách nhiệm quản lý ngành, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã làm việc với các cơ sở bảo trợ xã hội, xác định mức hỗ trợ hiện nay còn quá thấp, vì vậy, Bộ đề xuất với Chính phủ nâng mức trợ cấp từ 180.000 đồng/người/tháng lên 270.000 đồng/người/tháng.
Tuy nhiên, trong quá trình chuẩn bị, Nghị quyết của Quốc hội thông qua ngân sách năm 2014 chỉ rõ kinh phí cho việc điều chỉnh này lớn khoảng hơn 4.000 tỷ đồng nên đã hoãn lại.
Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng Chín vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 74 về việc thi hành Nghị định 136 nhưng do kinh phí có hạn nên sẽ ưu tiên cho một số đối tượng: những người đang hưởng trợ cấp hàng tháng thuộc hộ nghèo, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng ở trung tâm bảo trợ xã hội, thời gian có hiệu lực từ ngày 1/1/2015.
Giải quyết chính sách đối với người có công cũng là một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, chất vấn. Theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hiện đang phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiến hành tổng rà soát chính sách đối với người có công trong hai năm 2014-2015. Đến tháng 11, cơ bản các đối tượng đã được rà soát.
Những trường hợp sai chiếm khoảng 0,18%, ngoài ra còn khoảng 10.000 đối tượng là thanh niên xung phong nhưng chưa có hồ sơ xem xét; 2.000 thương, bệnh binh nhưng thiếu giấy tờ xác nhận.
Bộ sẽ cùng Ủy ban Trung Mặt trận Tổ quốc Việt Nam rà soát, nghiên cứu đối với từng hồ sơ để chỉ đạo các cơ quan chức năng trực thuộc giải quyết đúng theo quy định.
Ngoài ra, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đã giải đáp các nội dung liên quan đến giải pháp quản lý lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài; giải pháp khắc phục tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội trong các doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cũng tham gia trả lời các câu hỏi liên quan đến tác động của khoa học công nghệ đối với năng suất lao động...
Tiếp tục giải quyết các vấn đề được quan tâm
Kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá câu hỏi của các đại biểu Quốc hội ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề, tập trung vào các nội dung thuộc ngành Lao động,Thương binh và Xã hội quản lý.
Trả lời của Bộ trưởng rõ ràng, giải đáp được các vấn đề đại biểu quan tâm và cam kết những việc chưa làm được sẽ tiếp tục kiểm tra, giải quyết. Đồng bào, cử tri cả nước ủng hộ và tin tưởng sau phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ trưởng sẽ quan tâm, thực hiện tốt trách nhiệm của ngành mình phụ trách.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị trong thời gian tới, Bộ Lao động,Thương binh và Xã hội tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát cơ chế chính sách, hệ thống tổ chức đào tạo gắn với việc hỗ trợ cho người được đào tạo (công nhân, nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số...) nhằm đáp ứng được chỉ tiêu đào tạo được Quốc hội, Chính phủ giao cho.
Đồng thời, Bộ cần tiếp tục nghiên cứu, mở rộng thị trường, tạo sự gắn kết giữa cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động để thực hiện chương trình đào tạo căn cơ, hiệu quả, kết nối với công tác nghiên cứu khoa học để đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng tốt.
Nhấn mạnh việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một yếu tố của nền kinh tế thị trường, Chủ tịch Quốc hội lưu ý Bộ Lao động,Thương binh và Xã hội cần quản lý chặt chẽ người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, tạo môi trường thông thoáng song kiểm soát chặt chẽ các đối tượng này theo quy định pháp luật; ưu tiên giải quyết việc làm trong nước đối với các vị trí lao động Việt Nam có thể đáp ứng.
Bên cạnh đó, Bộ Lao động,Thương binh và Xã hội cần làm tốt hơn nữa việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài; quản lý chặt chẽ người lao động, bảo đảm các biện pháp cần thiết để lao động Việt Nam chấp hành tốt luật pháp, văn hóa nước ngoài, không để ảnh hưởng đến uy tín đất nước.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục nghiên cứu, đổi mới, cải tiến chính sách tiền lương, chế độ cho người lao động tùy theo tình hình đất nước; giải quyết tốt mối quan hệ giữa cơ quan quản lý nước, doanh nghiệp và người lao động; phối hợp với chính quyền các cấp, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hiệp hội các ngành hàng và các cơ quan bảo vệ pháp luật (công an, tòa án, kiểm sát) tăng cường việc thanh, kiểm tra, để hạn chế, giải quyết tốt tình trạng chậm đóng, nợ bảo hiểm xã hội. Khi phát hiện sai phạm cần có kiến nghị kiên quyết xử lý.
Bộ Lao động,Thương binh và Xã hội cần tiếp tục phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý các tình trạng tiêu cực trong việc thực hiện chính sách người có công, bảo đảm an sinh xã hội.
Chủ tịch Quốc hội mong muốn với trách nhiệm của mình, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục thực hiện tốt chức năng tham mưu, đề xuất các biện pháp thực hiện tốt chính sách đối với người có công; dạy nghề, tạo việc làm cho người lao động... góp phần thiết thực vào sự phát triển đất nước trong tình hình mới./.