Hưởng lợi từ giá than tăng, cổ phiếu ngành than vượt mệnh giá

Nếu như thời điểm cuối tháng 5/2021, thị giá cổ phiếu của nhiều cổ phiếu ngành than còn giao dịch quanh mức 5.000-7.000 đồng/cổ phiếu, thì đến nay hầu hết đã vươn lên trên 10.000 đồng/cổ phiếu.
  1. Hưởng lợi từ giá than tăng, cổ phiếu ngành than vượt mệnh giá ảnh 1Khu vực sàng tuyển than của Công ty than Núi Hồng. (Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN)

Giá than nguyên liệu tăng mạnh đã giúp nhóm cổ phiếu ngành than đồng loạt tăng phi mã trong tháng 6/2021. Sự “trở mình” lần này của nhóm cũng rất vang dội, khi nhiều cổ phiếu vươn lên vượt mệnh giá sau nhiều năm giao dịch với mức giá “trà đá.”

Chỉ riêng trong tháng 6, cổ phiếu NBC của Công ty cổ phần Than Núi Béo giao dịch trên sàn HNX tăng hơn 111% so với tháng trước đó; trong đó, có nhiều phiên tăng trần với thanh khoản tăng mạnh.

Trong phiên giao dịch ngày 18/6, NBC bất ngờ hút dòng tiền với thanh khoản tăng gần gấp đôi so với các phiên giao dịch trước. Kết phiên, NBC tăng trần với mức tăng 9,89% so với phiên trước đó và trở thành phiên đi vào lịch sử của NBC khi thị giá bắt đầu vượt mệnh giá sau 6 năm giao dịch dưới 10.000 đồng/cổ phiếu. Hiện NBC đang giao dịch quanh mốc 14.500 đồng/cổ phiếu.

Cổ phiếu TDN của Công ty cổ phần Than Đèo Nai cũng có đà phục hồi ấn tượng trong tháng 6/2021, khi tăng tới hơn 63% so với tháng trước đó. TDN vươn lên vượt mệnh giá trong phiên ngày 28/6 mới đây và hiện giao dịch quanh 10.500 đồng/cổ phiếu.

Các cổ phiếu khác trong ngành than cũng ghi nhận tăng phi mã trong tháng 6 như cổ phiếu TVD của Công ty cổ phần Than Vàng Danh tăng 57%; MDC của Công ty cổ phần Than Mông Dương tăng 46%; THT của Công ty cổ phần Than Hà Tu tăng 36%; TC6 của Công ty cổ phần Than Cọc Sáu tăng 45%...

[Ngành than vượt khó, linh hoạt sản xuất theo nhu cầu thị trường]

Hiện trên sàn chứng khoán có 13 cổ phiếu ngành than được niêm yết chủ yếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và cổ đông Nhà nước là Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) sở hữu trên 50% vốn điều lệ

Đáng chú ý, trong đợt sóng mạnh này, đã có 6/13 cổ phiếu ngành than vượt mệnh giá sau nhiều năm giao dịch ở mức thấp.

Nếu như thời điểm cuối tháng 5/2021, thị giá cổ phiếu của nhiều cổ phiếu ngành than còn giao dịch quanh mức 5.000-7.000 đồng/cổ phiếu, thì đến nay hầu hết đã vươn lên trên 10.000 đồng/cổ phiếu.

Hiện chỉ còn 3 cổ phiếu của các công ty như Công ty cổ phần 397 (Upcom: BCB); Công ty cổ phần Vận tải và Chế biến Than Đông Bắc (Upcom: VDB) và TC6 giao dịch dưới mệnh.

Trong một báo cáo gần đây của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, sở dĩ nhóm cổ phiếu ngành than có chuỗi tăng mạnh trong thời gian qua là do được hưởng lợi từ đà tăng của giá than. 

Số liệu tổng hợp của Yuanta Việt Nam cho biết, giá than thế giới đã vượt hoàn toàn mức 120 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 10/2011, do hạn chế về nguồn cung và nhu cầu tăng mạnh. Nhu cầu than đang gia tăng mạnh tại các nước châu Á như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... Giá than đá đã quay trở lại mức đỉnh 2011 và đã tăng gần 44% so với đầu năm 2021.

Theo dự báo của giới phân tích, xu hướng giá than tăng sẽ còn tiếp diễn, ít nhất là trong năm 2021, do nhu cầu mạnh từ các nhà sản xuất thép Trung Quốc và nhiều quốc gia khác sau đại dịch. Điều này đã hỗ trợ cho nhóm cổ phiếu than có đà tăng trưởng tích cực trong 6 tháng đầu năm 2021.

Trước đây, áp lực giá than suy giảm trên phạm vi toàn cầu, cộng thêm trữ lượng giảm dần và quỹ phúc lợi lớn hàng năm cho lượng nhân công đã khiến cổ phiếu ngành than dần mất đi sức hấp dẫn với nhà đầu tư. Do đó, xu hướng giá than tăng sẽ phần nào giúp nhóm cổ phiếu ngành này “trở mình” mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Tuy vậy, theo các chuyên gia, nhà đầu tư cần thận trọng giao dịch khi một số cổ phiếu ngành than có dấu hiệu tăng nóng, trong khi triển vọng chung của ngành khai khoáng vẫn được nhận định ở mức trung bình trong năm 2021.

Thực tế, trong phiên giao dịch đầu tháng 7, áp lực chốt lời ở vùng đỉnh khiến hầu hết các cổ phiếu ngành than đều giảm mạnh, thậm chí có một số cổ phiếu giảm sàn dù thị trường chung vẫn tăng mạnh.

Xét về đầu tư dài hạn, ngoài “ăn theo” cơn sóng tăng giá than, điểm cộng lớn nhất của nhóm cổ phiếu ngành than hiện nay là có lịch sử chi trả cổ tức rất đều đặn. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp chi trả cổ tức tiền mặt lên đến từ 2.000-3.500 đồng/cổ phiếu, với mức sinh lời hấp dẫn hơn rất nhiều so với một số kênh đầu tư truyền thống khác.

Do vậy, dù thị giá, thanh khoản thấp, cổ phiếu ngành than thời gian qua vẫn hấp dẫn nhà đầu tư dài hạn. Năm nay, từ tháng 5-7/2021 cũng là thời điểm các doanh nghiệp ngành than bắt đầu triển khai kế hoạch chia cổ tức năm 2020 cho các cổ đông hiện hữu.

Trong năm 2020 và quý 1/2021, dù ảnh hưởng của dịch COVID-19, song lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp ngành than Việt Nam vẫn tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ.

Một số doanh nghiệp có lợi nhuận tích cực nhờ hưởng lợi khi thuế thu nhập doanh nghiệp được giảm theo Nghị định 68/2020/NĐ-CP ngày 26/4/2020 về sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/2/2017 quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Cập nhật đến đầu tháng 6/2021, lãnh đạo TKV cho biết, mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và bối cảnh thị trường năng lượng quốc tế nhiều biến động nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2021 vẫn được duy trì ổn định; đạt những kết quả tốt trong tiêu thụ than, khoáng sản và điện; việc làm, thu nhập của người lao động được đảm bảo. Đây cũng là yếu tố hỗ trợ quan trọng giúp nhà đầu tư yên tâm hơn khi lựa chọn cổ phiếu ngành than với mục đích đầu tư dài hạn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục