Chia sẻ với học sinh về xu hướng nghề nghiệp trong tương lai, những kỹ năng cần có của nguồn nhân lực trong cách mạng công nghiệp 4.0 đồng thời giúp các em có cơ hội trải nghiệm thực tế với các sản phẩm công nghệ và sản phẩm giáo dục STEM là những nội dung chính trong buổi giao lưu”Tuổi 15 tôi chưa biết điều này” do Trường Trung học cơ sở Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội tổ chức sáng nay, 6/12.
Tại buổi chia sẻ, các diễn giả đã giúp học sinh phần nào hình dung được những nhóm ngành nghề sẽ cần nhân lực trong tương lai, đặc biệt là nhóm ngành công nghệ thông tin như khoa học máy tính, marketing, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo hoặc những nhóm ngành về sản xuất nội dung.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng chỉ cho học sinh thấy sự tác động mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm cho hệ thống ngành nghề hiện nay có nhiều biến đổi trong tương lai, nhiều ngành nghề sẽ mất đi trong khi nhiều ngành nghề mới hình thành. Theo đó, các em cần trau dồi các kỹ năng về công nghệ, ngoại ngữ, đặc biệt là các kỹ năng mềm để có thể linh hoạt thích ứng đồng thời có sức khỏe tốt và có phong cách riêng để khẳng định bản thân.
Với những ý nghĩa thiết thực, buổi giao lưu đã thu hút sự tham gia của đông đảo học sinh của Trường Trung học cơ sở Trưng Vương và các trường trong khu vực quận Hoàn Kiếm, đặc biệt là học sinh khối 8, 9 khi các em sẽ phải đưa ra lựa chọn nghề nghiệp khi bước chân vào lớp 10, bắt đầu với việc lựa chọn tổ hợp môn học phù hợp.
Em Phạm Minh Châu, học sinh lớp 9A1 cho biết những chia sẻ của các diễn giả rất bổ ích với em trong giai đoạn định hướng nghề nghiệp. Xác định sẽ theo khối ngành xã hội và có thể làm việc ở các tổ chức phi chính phủ hoặc các nhóm ngành yêu cầu nhiều sự sáng tạo và đổi mới như ngành thiết kế, Minh Châu cho hay em dự kiến sẽ đi học vẽ khi lên lớp 10. “Em cũng mong nhà trường sẽ dạy và rèn luyện thêm cho học sinh các kỹ năng mềm, các kỹ năng ứng dụng trong cuộc sống,” Minh Châu chia sẻ.
[Lúng túng chọn môn tổ hợp lớp 10 theo chương trình mới]
Theo cô Nguyễn Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Trưng Vương, giúp học sinh có ý tưởng về nghề nghiệp trong tương lai, hiểu bản thân hơn và biết những điểm mình còn thiếu để có kế hoạch hoàn thiện nhằm đạt mục tiêu nghề nghiệp cũng là điều trường hướng tới khi tổ chức buổi giao lưu này.
Theo cô Hà, trong những năm qua, nhà trường luôn chú trọng hướng nghiệp cho học sinh. Đặc biệt, khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, yêu cầu này càng được chú trọng hơn nữa, đặc biệt là với học sinh lớp 8, lớp 9 nhằm chuẩn bị cho việc học phân hóa khi lên lớp 10. Vì thế, ban giám hiệu và các thầy cô giáo phải hiểu về xu hướng nghề nghiệp trong tương lai để có tư vấn hiệu quả nhất cho học sinh, đặc biệt là trong điều kiện hiện nay, khi cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra rất mạnh mẽ và các ngành nghề có nhiều thay đổi rất khác so với những ngành nghề đang diễn ra.
Để làm được việc đó, nhà trường không chỉ đẩy mạnh giáo dục STEM, tích hợp liên môn, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh mà việc mời các chuyên gia, những người có hiểu biết sâu rộng, nắm được xu hướng nghề nghiệp tương lai đến chia sẻ cũng rất quan trọng. Điều này giúp học sinh hiểu và nắm được yêu cầu công việc, hiểu năng lực của bản thân, từ đó định hướng cho mình để có thể lựa chọn được nghề nghiệp trong tương lai.
Trăn trở với vấn đề hướng nghiệp và từ thực tế ở các nhà trường, cô Hà cho hay điều cô băn khoăn nhất là các em chưa thực sự có ý thức khám phá bản thân để tìm ra điểm mạnh của mình. Khi tìm ra điểm mạnh, các em cũng cần cố gắng theo đuổi, phát huy được điểm mạnh đó để làm nó trở nên mạnh mẽ hơn, đáp ứng các yêu cầu trong tương lai.
“Vì thế, tôi cho rằng các thầy cô giáo, nhà trường và các phụ huynh cần lắng nghe, quan sát các em nhiều hơn, tạo điều kiện cho các em thử nghiệm nhiều hơn, tiếp xúc với các nguồn thông tin hơp lý để từ đó các em có thể tìm thấy điểm mạnh của bản thân. Khi đó, việc tư vấn nghề nghiệp sẽ hiệu quả hơn,” cô Hà nói./.