Hút thuốc thụ động phá hủy các động mạch của trẻ em

Hút thuốc thụ động trong thời kỳ thơ ấu gây phá hủy các động mạch ở trẻ em, tăng nguy cơ mắc bệnh tim khi trưởng thành.
Tuần hành phản đối hút thuốc lá và uống rượu tại Sri Lanka. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Hút thuốc thụ động trong thời kỳ thơ ấu gây phá hủy các động mạch ở trẻ em, tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ khi trẻ bước vào tuổi trưởng thành.

Đây là kết luận được một nhóm nhà khoa học Phần Lan và Australia thuộc trường Đại học Tasmania công bố ngày 4/3.

Trong nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Trái tim châu Âu (European Heart), các nhà khoa học cảnh báo mối liên hệ giữa việc trẻ em tiếp xúc với khói thuốc của cha mẹ và độ dày lớp nội trung mạc (IMT) của động mạch cảnh ở trẻ.

Nhóm nhà khoa học đã tiến hành cuộc khảo sát quy mô lớn trên 2.401 người ở Phần Lan và 1.375 người ở Australia, trong đó người tham gia được hỏi về thói quen hút thuốc của các bậc cha mẹ của họ.

Các chuyên gia sử dụng sóng siêu âm để đo độ dày thành mạch của những người này. Kết quả cho thấy IMT ở những đối tượng tiếp xúc với khói thuốc của cha mẹ dày hơn 0,015mm so với những đối tượng có cha mẹ không hút thuốc.

Cụ thể hơn, trẻ em tiếp xúc với khói thuốc lá có thành mạch máu "già" hơn 3,3 năm khi bước vào tuổi trưởng thành.

Theo người đứng đầu nghiên cứu, chuyên gia về dịch tễ tim mạch Seana Gall, độ dày IMT này tuy tăng "khiêm tốn" nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ cao mắc bệnh tim và đột quỵ ở giai đoạn sau của cuộc đời.

Kết quả nghiên cứu có sức ảnh hưởng lớn đối với những chiến dịch cấm hút thuốc lá trong xe ôtô riêng và tại nhà.

Nhà khoa học Seana Gall nhận định rằng việc trẻ ở thời thơ ấu hút thuốc thụ động có thể gây phá hủy trực tiếp và "không thể cứu vãn" đối với cấu trúc các động mạch ở trẻ.

Bà Gall cho rằng các bậc cha mẹ, hay kể cả những người có ý định trở thành cha mẹ, nên cai thuốc lá, để cải thiện sức khỏe của chính mình và bảo vệ sức khỏe trong tương lai của thế hệ sau.

Đồng thời, việc giảm hút thuốc thụ động ở trẻ em cần là một ưu tiên của ngành y tế công.

Hút thuốc gây ra ung thư phổi và là nguyên nhân hàng đầu gây chết yểu từ những căn bệnh kinh niên như bệnh tim, đột quỵ và huyết áp cao.

Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong số 6 triệu người thiệt mạng do thuốc lá hàng năm, có khoảng 600.000 người khác tử vong do hít phải khói thuốc của người khác hút.

Khói thuốc lá có hơn 4.000 hóa chất, trong đó ít nhất 250 thành phần được cho là có hại và hơn 50 thành phần có thể dẫn tới ung thư.

WHO cho biết cách duy nhất để đảm bảo an toàn cho mọi người là tạo ra môi trường 100% không khói thuốc lá.

Trong khi đó, thực tế hiện nay là có tới 40% trẻ em thường xuyên bị đặt vào tình thế hút thuốc thụ động tại nhà, và gần 30% trẻ em tử vong vì nguyên nhân này.

Ban hành các đạo luật cấm hút thuốc có thể giảm hút thuốc tự động. Đặc biệt, cấm hút thuốc trong xe ôtô cũng sẽ có hiệu quả tích cực rõ rệt.

Nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Australia và Canada đã cấm hút thuốc trong xe ôtô có trẻ em. Tháng trước, Chính phủ Anh cho biết nước này sẽ sớm ban hành luật cấm hút thuốc trên./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục