Cần quyết liệt vào cuộc chống buôn lậu thuốc lá

Theo Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, ước tính mỗi năm, ngân sách Nhà nước thất thu 6.500 tỷ đồng vì thuốc lá nhập lậu.

Bộ Tài chính đang xin ý kiến các cơ quan liên quan góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt.

Theo đó dự kiến sẽ nâng mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) có cuộc trao đổi với ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba).

- Với vai trò là người đứng đầu ngành thuốc lá, quan điểm của ông về dự án này ra sao?

Ông Vũ Văn Cường: Hiệp Hội Thuốc lá Việt Nam nhận được công văn số 1537/BTC-CST ngày 25/01/2014 của Bộ Tài chính đề nghị góp ý kiến cho dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. Theo đó, Bộ Tài chính dự kiến sẽ nâng mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá từ 65% lên 75% từ ngày 1/7/2015 và lên 85% từ năm 2018.

Trước tiên, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam nhận thấy sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống thuế, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội hiện nay. Đồng thời, Hiệp hội cũng đồng tình với chủ trương tăng dần thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước và hạn chế tiêu dùng thuốc lá.

Hiệp hội cho rằng các biện pháp về thuế và giá là những biện pháp quan trọng nhằm giảm thiểu tác hại của thuốc lá. Tuy nhiên, các biện pháp này cũng cần được cân nhắc và triển khai phù hợp với tình hình thực tế của ngành thuốc lá Việt Nam. Bởi những cải cách và thay đổi về thuế tiêu thụ đặc biệt phải giúp Chính phủ đạt được những mục tiêu như kiểm soát thuốc lá nhập lậu và nâng cao tính cạnh tranh của ngành công nghiệp thuốc lá Việt Nam; đảm bảo an sinh xã hội, công ăn, việc làm và đời sống cho hơn 6 triệu người lao động, bao gồm công nhân, nông dân.

Bên cạnh đó, hình thành lộ trình tăng thuế phù hợp, vừa ổn định nguồn thu ngân sách vừa không gây khó khăn cho các doanh nghiệp thuốc lá trong điều kiện sản xuất kinh doanh hết sức khó khăn như tình hình hiện nay.

Sau khi nghiên cứu, xem xét và thống nhất ý kiến của các thành viên trong Hiệp hội, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đã có văn bản góp ý gửi Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và trình Thủ tướng Chính phủ ý kiến góp ý cho dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá.

- Vậy theo ông, tình trạng buôn lậu thuốc lá ở Việt Nam hiện nay diễn biến như thế nào?

Ông Vũ Văn Cường: Theo số liệu khảo sát năm 2012 của Trung tâm Thuế và Đầu tư Quốc tế và tổ chức Oxford Economics, Việt Nam là thị trường tiêu thụ thuốc lá lậu lớn thứ 2 trong số 11 quốc gia châu Á được khảo sát.

Riêng năm 2013, thuốc lá nhập lậu đã lấy đi 20% thị phần và làm thất thu thuế nghiêm trọng cho ngân sách Nhà nước. Ước tính mỗi năm, ngân sách Nhà nước thất thu 6.500 tỷ đồng, tương đương 309 triệu USD. Trong khi đó, thuốc lá lậu không phải tuân thủ bất kỳ quy định nào về cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh, an toàn vệ sinh thực phẩm như lộ trình giảm tar và nicotin cũng như không kiểm soát được chất lượng nên sẽ gây tác hại đến sức khỏe cộng đồng…


Thuốc lá là mặt hàng gọn nhẹ, nhưng có giá trị cao. Hiện đang áp thuế tiêu thụ đặc biệt là 65% và thuế VAT là 10% nên buôn lậu thuốc lá là siêu lợi nhuận. Buôn lậu thuốc lá ở Việt Nam đang phát triển mạnh và hàng năm gây thất thu lớn cho ngân sách Nhà nước.

Chúng tôi cho rằng, nếu nâng mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá vào thời điểm hiện nay thì tình trạng buôn lậu sẽ càng gia tăng, nên tổng thu ngân sách Nhà nước có thể giảm chứ không chắc sẽ tăng (mặc dù thuế suất tăng).

- Ông có thể lý giải rõ hơn tại sao tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt trong điều kiện hiện nay thì thu ngân sách Nhà nước chưa chắc đã tăng?

Ông Vũ Văn Cường: Rất đơn giản, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thì lợi nhuận buôn lậu thuốc lá đã cao lại càng cao hơn do trốn thuế. Điều đó chắc chắn dẫn đến buôn lậu gia tăng. Chúng ta đã có bài học thực tế về viêc này. Cụ thể, thuế tiêu thụ đặc biệt tăng đáng kể và liên tiếp từ 45% lên 55% kể từ tháng 1/2006 và 65% vào năm 2008 đã gây ra sự tăng trưởng đột biến của thuốc lá nhập lậu trong các năm, từ 2006-2012, với mức tăng 50% ( khoảng 6 tỷ điếu).

Ngành công nghiệp thuốc lá Việt Nam đang hoạt động trong một môi trường pháp lý nghiêm ngặt nhất trên thế giới, vượt trên các khuyến nghị chính sách của Công ước khung kiểm soát thuốc lá toàn cầu. Cụ thể, như in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh chiếm 50%, đóng góp vào Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Từ ngày 1/5/2013 là 1% trên giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt, tăng lên 1,5% vào tháng 5/2016 và đạt mức 2% vào tháng 5/2019. Hoặc cấm quảng cáo, khuyến mại dưới mọi hình thức và yêu cầu cấp phép toàn diện (bao gồm cả bán lẻ).

Thuốc lá lậu do trốn thuế nên có thể bán rẻ hơn thuốc sản xuất trong nước, người tiêu dùng Việt Nam vì thế sẽ quay sang hút thuốc lá lậu, bất chấp việc thuốc lá lậu không kiểm soát được chất lượng gây tác hại đến sức khỏe cộng đồng. Do vậy khi thuốc lá sản xuất trong nước bị thu hẹp, đường nhiên tổng thu ngân sách Nhà nước sẽ giảm chứ không tăng, mặc dù tăng thuế suất.

- Vậy theo ông khi nào thì phù hợp để tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thuốc lá và giải pháp hiện nay là gì?

Ông Vũ Văn Cường: Theo tôi tạm thời chưa nên tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt thuốc lá vào thời điểm hiện nay. Nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách hiện nay là phải chống buôn lậu trước; việc kiểm soát thuốc lá nhập lậu sẽ là vấn đề cốt yếu để duy trì và tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Trước hết tôi kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cần có chỉ thị gấp yêu cầu các bộ ngành và các địa phương cùng quyết liệt vào cuộc kiên quyết chống buôn lậu ở cả đầu vào và đầu ra thuốc lá lậu như những năm 90 của thế kỷ trước, lúc đó, thuốc lá nhập lậu giảm hẳn.

Đầu vào thuốc lá lậu là tại các cửa khẩu, biên giới, chủ yếu là biên giới Tây Nam. Đầu ra thuốc lá lậu là các cửa hàng, tủ, quầy bán thuốc các địa phương. Chống ở đầu ra thì dễ hơn nhưng chính quyền các địa phương phải vào cuộc.

Tôi cũng đề xuất tăng mức tiêu hủy thuốc lá nhập lậu 100 đồng/bao hiện nay lên 500 đồng/bao để khuyến khích các đơn vị chức năng chống buôn lậu thuốc lá nhập lậu. Tôi cho rằng khi đã kiểm soát được thuốc lá nhập lậu trên phạm vi toàn quốc thì có thể xem xét tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, tuy nhiên cũng nên có lộ trình tăng dần chứ không nên tăng nhanh quá. Theo tôi mỗi lần nên tăng khoảng 5% là phù hợp.

Trên thực tế, tổng đóng góp ngân sách Nhà nước của toàn ngành công nghiệp thuốc lá Việt Nam hiện nay là gần 20.000 tỷ đồng, xấp xỉ 1 tỷ USD. Nếu ngăn chặn được buôn lậu, tôi chắc chắn rằng, đóng góp của ngành thuốc lá vào ngân sách Nhà nước sẽ còn cao hơn nhiều.

Phóng viên: Xin trân trọng cám ơn ông!/.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.