Đề xuất đánh thuế “mạnh tay” với rượu, bia, thuốc lá

Các mặt hàng rượu, bia, thuốc lá dự kiến sẽ có mức thuế tiêu thụ đặc biệt tăng thêm 10-15% từ năm 2015 nhằm hạn chế việc sử dụng.

Các mặt hàng rượu, bia, thuốc lá dự kiến sẽ có mức thuế tiêu thụ đặc biệt tăng thêm 10-15% từ năm 2015 nhằm hạn chế việc sử dụng của người dùng trong nước.

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý của dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt vừa được Bộ Tài chính công bố.

Theo dự thảo, thuốc lá sẽ là mặt hàng có lộ trình nâng thuế tiêu thụ đặc biệt cao nhất khi tăng từ 65% lên 75% vào năm 2015 và tiếp tục nâng lên mức 85% từ năm 2018. Với phương án này, Bộ Tài chính dự kiến sẽ tăng thu ngân sách năm 2016 thêm hơn 2.900 tỷ đồng và năm 2018 là 7.700 tỷ đồng.

Với rượu, bia, thuế tiêu thụ đặc biệt với những sản phẩm này dự kiến sẽ đồng loạt tăng từ 10-15%. Như vậy, rượu từ 20 độ trở lên và bia sẽ cùng có mức thuế mới là 65% thay vì 50% như hiện tại. Mặt hàng rượu dưới 20 độ cũng sẽ được nâng thuế từ 25% lên 35%.

Theo lý giải của Bộ Tài chính, lượng rượu, bia tiêu thụ trong nước năm 2013 là 3 tỷ lít và tính bình quân đầu người là 32 lít/người. Lượng tiêu thụ này khiến Việt Nam trở thành "quán quân uống bia" ở khu vực ASEAN và thứ ba châu Á, chỉ sau Trung Quốc và Nhật Bản.

“Việc sử dụng quá nhiều rượu, bia gây nên tác hại đến sức khỏe, ngoài ra còn là căn nguyên của nhiều vấn đề xã hội nghiêm trọng khác như: bạo lực cá nhân, mất trật tự an toàn xã hội, tội phạm và tai nạn giao thông vào các dịp lễ tết,... Vì vậy, để hạn chế việc sử dụng quá nhiều rượu,bia, Bộ Tài chính đề nghị điều chỉnh tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này,” dự thảo của cơ quan soạn thảo đánh giá.

Cũng theo dự thảo, Bộ Tài chính dự kiến sẽ đánh thuế tiêu thụ đặc biệt ở mức 10% với mặt hàng nước ngọt có ga không cồn từ năm 2015. Bộ Tài chính cho rằng, việc định hướng tiêu dùng đối với mặt hàng này là cần thiết bởi những chất công nghiệp trong sản phẩm giải khát sẽ tác hại đến sức khỏe người dùng nếu sử dụng hàng ngày hoặc quá mức.

Với mức thuế này, ngành tài chính dự kiến số thu ngân sách sẽ tăng khoảng 1.500 tỷ vào năm 2016 và đến năm 2018 vào khoảng 1.900 tỷ đồng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.