“Sau khi Nghị định 153/2020/NĐ-CP (điều chỉnh quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế) ra đời đã giúp thị trường diễn biến khá an toàn,” ông Hoàng Công Tuấn - Kinh tế trưởng, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho biết.
Chất lượng thị trường tiến bộ
Báo cáo phân tích của MBS cho biết trong quý 1 thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã huy động được 38.235 tỷ đồng qua các kênh riêng lẻ và công chúng. Tuy nhiên, con số này đã giảm 30% so cùng kỳ với kỳ hạn bình quân 3,5 năm, ngắn hơn 0,8 năm so với mức trung bình năm ngoái. Bên cạnh đó, lãi suất huy động bình quân 9,9% đã cao hơn 0,6 điểm phần trăm so với bình quân năm 2020.
Trong đó, trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng đạt 6.235 tỷ đồng, chiếm 16% tổng khối lượng huy động.
Ông Tuấn cho hay tỷ lệ này cao hơn rất nhiều so với mức dưới 5% của các năm gần đây, điều này cho thấy chất lượng thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang tiến bộ bởi kênh phát hành ra công chúng được đánh giá là minh bạch và công khai hơn.
Về nhóm ngành, khu vực bất động sản dẫn đầu trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp với 22.100 tỷ đồng, chiếm 73% tổng lượng. Lãi suất bình 10,3%/năm (giảm 0,2 điểm phần trăm so với năm ngoái) và kỳ hạn bình quân 3 năm.
Kế đến là nhóm chứng khoán huy động gần 1.800 tỷ đồng. Với kết quả trên, theo ông Tuấn thị trường chứng khoán liên tục lập các kỷ lục mới về điểm số, thanh khoản và số lượng tài khoản mới. Do đó, nhằm đáp ứng nhu cầu về vốn kinh doanh, cho vay margin, các công ty chứng khoán đã kịp thời huy động vốn qua kênh trái phiếu. Cụ thể, mức lãi suất bình quân khoảng 8,4%/năm và kỳ hạn 1,4 năm, điều này phù hợp với tình hình kinh doanh của nhóm ngành.
Lãi suất trung bình phát hành trong quý 1 theo nhóm doanh nghiệp:
Trong quý, chỉ có 2 ngân hang là Liên Việt Post Bank và VPBank huy động tổng khối lượng là 1.270 tỷ đồng, mức lãi suất huy động tương đối thấp (VPBank là 3,9%/năm và Liên Việt Post Bank là 2,3%/năm).
Ngoài ra, các doanh nghiệp thuộc ngành điện/nước cũng huy động được 1.100 tỷ đồng trái phiếu trong quý. Theo MBS, đặc thù về thời gian thu hồi vốn của ngành này là rất dài nên kỳ hạn trái phiếu cao, bình quân gần 10 năm. Tuy nhiên, lãi suất huy động tương đối cao, khoảng 10%/năm….
Tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân giảm mạnh
Theo bà, Nguyễn Thị Thanh Tú, chuyên gia phân tích cao cấp, Công ty Chứng khoán SSI, do tác động của quy định về điều kiện đầu tư trái phiếu phát hành riêng lẻ phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, do đó các nhà đầu tư cá nhân chỉ tham gia mua 1.529 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường sơ cấp trong quý và bằng 16% lượng mua cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy, tỷ trọng đầu tư của nhà đầu tư cá nhân đã giảm từ 19,7% (quý1/2020) xuống mức 4,1% (quý/2021). Trong đó, nhà đầu tư cá nhân mua 412 tỷ đồng trái phiếu phát hành ra công chúng và 1.117 tỷ đồng trái phiếu phát hành riêng lẻ.
Về nhà đầu tư tổ chức, báo cáo của SSI cho biết khối các công ty chứng khoán mua 7.500 tỷ trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường sơ cấp, chiếm 20% lượng phát hành.
“Các công ty chứng khoán đang là trung gian phân phối trái phiếu doanh nghiệp tích cực nhất trên thị trường. Và, diễn biến này cho thấy thị trường trái phiếu doanh nghiệp thứ cấp vẫn đang hết sức sôi động,” bà Tú phân tích.
Cơ cấu nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp trên sơ cấp:
Ngoài ra, nhóm ngân hàng thương mại đầu tư 2.100 tỷ đồng trái phiếu, chiếm 5,5% phát hành. Trong đó, các trái phiếu này đều có tài sản đảm bảo.
Cũng theo SSI, tổng giá trị tài sản ròng của các quỹ đầu tư trái phiếu Việt Nam đã tăng từ 16.3700 tỷ đồng (cuối năm 2019) lên 27,32 tỷ đồng (cuối năm 2020), tương ứng tăng trưởng 67%/năm. Riêng trong quý 1, các quỹ đầu tư trái phiếu tiếp tục hút tiền, giá trị tài sản ròng tại cuối quý đã tăng lên 32.500 tỷ đồng và tăng 19% so với cuối năm ngoái.
“Tiếp cận kênh đầu tư trái phiếu gián tiếp thông qua mua chứng chỉ quỹ trái phiếu là lựa chọn hợp lý cho các cá nhân nhỏ lẻ khi quy định điều kiện đầu tư trái phiếu riêng lẻ siết chặt (giá trị đầu tư tối thiểu 2 tỷ đồng, thu nhập chịu thuế năm gần nhất tối thiểu 1 tỷ đồng…). Hiện giá trị đầu tư tối thiểu vào chứng chỉ quỹ trái phiếu chỉ từ 1 đến 3 triệu đồng, thậm chí có quỹ còn quy định mức tối thiểu là 10.000 đồng,” bà Tú cho biết.
Về dự báo tăng trưởng thị trường trong quý 2, theo nhóm chuyên gia của SSI, nhiều khả năng sẽ cao hơn do quý 1 có Tết Nguyên đán đồng thời là giai đoạn xây dựng kế hoạch kinh doanh và tài chính của các doanh nghiệp. Trong quá khứ, SSI cho biết lượng phát hành quý 2 (năm 2019 và 2020) đều tăng 111%-160% so với quý liền trước.
Bà Tú cho rằng mặt bằng lãi suất tiền gửi kỳ vọng vẫn ổn định trong quý 2 nhưng nhiều khả năng sẽ nhích tăng vào nửa cuối của năm. Với các nhà đầu tư trái phiếu dài hạn, mức tăng từ 30%-50% điểm cơ bản của lãi suất tiền gửi có thể không ảnh hưởng đáng kể, do chênh lệch lãi suất giữa đầu tư tiền gửi và trái phiếu vẫn khá cao.
“Tuy nhiên, với các nhà đầu tư trái phiếu ngắn hạn (dưới 1 năm), việc lãi suất tiền gửi biến động sẽ ảnh hưởng khá mạnh đến giá trái phiếu do lãi suất chiết khấu để tính giá bán trên thị trường thứ cấp sẽ biến động theo, trái phiếu có kỳ hạn càng dài thì càng biến động lớn. Bởi vậy, các nhà đầu tư cũng cần xem xét phân bổ danh mục tài sản đầu tư, kỳ hạn đầu tư cho phù hợp,” bà Tú khuyến nghị./.