Hy Lạp hoan nghênh tàu Thổ Nhĩ Kỳ rút khỏi khu vực tranh chấp

Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis nêu rõ, việc tàu thăm dò Oruc Reis của Thổ Nhĩ Kỳ rút khỏi khu vực tranh chấp sẽ mở đầu cho tình hình cải thiện trong quan hệ song phương của hai nước.
Tàu thăm dò Oruc Reis (giữa) của Thổ Nhĩ Kỳ đã rút khỏi khu vực tranh chấp trên Địa Trung Hải. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 13/9, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cho rằng việc tàu khảo sát Oruc Reis của Thổ Nhĩ Kỳ quay lại tỉnh miền Nam Atntalya là một bước đi tích cực đầu tiên nhằm giảm bớt căng thẳng với Ankara liên quan các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở khu vực ngoài khơi.

Phát biểu với phóng viên tại thành phố Thessaloniki, Thủ tướng Mitsotakis nhấn mạnh: "Sự trở về của tàu Oruc Reis là một bước đi tích cực đầu tiên. Tôi hy vọng sẽ có các bước tiếp theo. Chúng tôi muốn đối thoại với Thổ Nhĩ Kỳ song trong bầu không khí không có hành động khiêu khích."

Theo ông, đối thoại là cách duy nhất để giải quyết vấn đề cốt lõi giữa hai nước - phân định ranh giới các khu vực trên biển.

Ông còn nêu rõ: "Bước đi đầu tiên (của Thổ Nhĩ Kỳ) sẽ mở đầu cho tình hình cải thiện trong quan hệ song phương của hai nước chúng tôi."

Ngoài ra, Thủ tướng Mitsotakis còn nói, 6 trong tổng số 18 máy bay tiêm kích Rafale do Dassault sản xuất mà Hy Lạp có kế hoạch mua để tăng cường sức mạnh cho không quân nước này sẽ là những máy bay mới và số còn lại tương đối mới.

[Tàu thăm dò Oruc Reis của Thổ Nhĩ Kỳ quay trở về vùng biển phía Nam]

Hy Lạp cũng lên kế hoạch nâng cấp 4 khinh hạm của nước này và mua thêm 4 khinh hạm khác.

Trước đó, cùng ngày, các dữ liệu theo dõi hãng hải của Refinitiv cho thấy tàu thăm dò địa chất Oruc Reis của Thổ Nhĩ Kỳ và hai tàu hộ tống đã quay trở lại vùng biển gần tỉnh Antalya ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ

Hoạt động tìm kiếm dầu mỏ và khí đốt chính là nguyên nhân châm ngòi căng thẳng giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ - hai nước thành viên trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Việc phát hiện trữ lượng khí đốt khổng lồ ở khu vực Đông Địa Trung Hải trong những năm gần đây càng làm dấy lên một cuộc tranh giành nguồn tài nguyên không chỉ giữa hai nước này mà còn cả Cộng hòa Cyprus, Ai Cập và Israel.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ gần đây triển khai tàu thăm dò địa chất Oruc Reis tới vùng biển tranh chấp với Hy Lạp ở Đông Địa Trung Hải đã gây ra những căng thẳng mới giữa hai nước, thậm chí hai nước tiếp tục leo thang căng thẳng với nhiều hoạt động quân sự trên biển.

Chính quyền Athens cũng kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ trừ khi Ankara từ bỏ những đòi hỏi sở hữu các tuyến hàng hải tại các khu vực đang tranh chấp ở Đông Địa Trung Hải./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục