Ngày 10/9, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đã gặp nhau tại trụ sở của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở thủ đô Brussels (Bỉ) để thảo luận về những nỗ lực nhằm ngăn chặn leo thang quân sự tại Đông Địa Trung Hải.
Thông báo về cuộc họp, một nguồn tin an ninh cho biết phía Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục ủng hộ các nỗ lực tìm giải pháp cho vấn đề này thông qua đối thoại mà không cần điều kiện tiên quyết nào.
Được biết, cuộc gặp tại trụ sở NATO sẽ không đề cập tới tranh chấp lãnh thổ giữa Ankara và Athens mà thảo luận về việc thiết lập đường dây nóng giữa quân đội hai nước.
Tuần trước, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết hai bên đã nhất trí đàm phán nhằm tránh các sự cố xảy ra trong tranh cãi liên quan đến thềm lục địa mở rộng cũng như các yêu sách của hai bên về các giếng dầu khí tiềm năng tại Địa Trung Hải.
[Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp hoãn đàm phán tháo gỡ mâu thuẫn tại NATO]
Lâu nay, hoạt động tìm kiếm dầu mỏ và khí đốt chính là nguyên nhân châm ngòi căng thẳng giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Mới đây nhất, Ankara đã đưa tàu khảo sát địa chấn Oruc Reis và các tàu chiến hộ tống tới khu vực sau khi Hy Lạp và Ai Cập ký kết thỏa thuận về hải giới.
Athens coi các cuộc thăm dò này là bất hợp pháp và vi phạm chủ quyền của Hy Lạp, trong khi Ankara khẳng định vùng biển Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến hành thăm dò khí đốt thuộc thềm lục địa của nước này. Cả hai nước đã tổ chức các cuộc tập trận quân sự ở Đông Địa Trung Hải, khiến tranh chấp có nguy cơ leo thang thành đối đầu.
Hy Lạp đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ, để buộc nước này phải rút tàu ra khỏi khu vực đang tranh chấp. Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan kêu gọi EU cần hoàn thành nghĩa vụ ngăn chặn Hy Lạp và một số nước thành viên làm gia tăng căng thẳng trong khu vực./.