Trước sức ép của Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ngày 25/1, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đã nối lại đàm phán nhằm giải quyết tranh chấp lãnh hải cũng như quyền khai thác khí đốt ở Đông Địa Trung Hải. Đây là vòng đàm phán trực tiếp đầu tiên giữa hai nước trong gần 5 năm qua.
Vòng đàm phán lần thứ 61 tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ không được kỳ vọng sẽ đạt được đột phá. Tuy nhiên, sự kiện này được cho sẽ tạo cơ sở cho việc phân định ranh giới trên biển giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, một trong những vùng biển trên thế giới có trữ lượng khí đốt tự nhiên đã kiểm chứng được phát hiện gần đây nhất. Kể từ năm 2002, hai nước đã tiến hành 60 vòng đàm phán. Tuy nhiên, tiến trình thương lượng đã bị đình trệ từ năm 2016.
Giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ lâu nay tồn tại mâu thuẫn về vấn đề lãnh hải ở Đông Địa Trung Hải. Căng thẳng giữa hai nước đồng minh trong NATO thời gian qua đã leo thang với nhiều hoạt động quân sự trên biển sau khi Thổ Nhĩ Kỳ triển khai tàu khảo sát Oruc Reis tại vùng biển phía Đông Địa Trung Hải vào tháng 8/2020.
[Nga thử nghiệm loại đạn pháo mới nhất dành cho pháo tự hành]
NATO đã thiết lập một cơ chế giảm xung đột để tránh nguy cơ xảy ra những xung đột quân sự đáng tiếc giữa các bên. Với tư cách nước Chủ tịch EU nửa cuối năm 2020, Đức cũng thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao thiện chí với Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, một số thành viên EU, trong đó có Pháp và Hy Lạp, kêu gọi các biện pháp mạnh hơn. Tuy nhiên, nhiều nước khác lo ngại căng thẳng gia tăng sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới thỏa thuận nhằm ngăn chặn dòng người di cư qua Thổ Nhĩ Kỳ vượt Địa Trung Hải đổ về châu Âu./.