Các nhà khoa học Mỹ tuyên bố đã phát triển một vắcxin thử nghiệm có khả năng thúc đẩy hệ miễn dịch, qua đó ngăn chặn sự tấn công của virus HIV.
Trong các công trình nghiên cứu mới được đăng trên tạp chí Tế bào và Khoa học số ra ngày 18/6, các nhà khoa học cho biết đa số các loại vắcxin được sử dụng hiện nay đều chứa các vi khuẩn gây bệnh đã chết hoặc bất hoạt nhằm kích thích cơ thể tạo ra kháng thể.
Tuy nhiên, việc chủng ngừa với các protein HIV "tự nhiên" lại không thể tạo ra sự miễn nhiễm do virus HIV có khả năng "lẩn tránh" sự phát hiện của hệ miễn dịch và biển đổi nhanh chóng theo các chiều hướng mới.
Trước thách thức này, các nhà nghiên cứu tin rằng để có thể tạo ra một vắcxin chống HIV/AIDS thành công thì phải cần phải tạo ra một chất kháng nguyên, trong đó có sự kết hợp giữa một loạt các protein có liên quan và không khác biệt mấy với protein HIV.
Việc đưa kháng nguyên này vào cơ thể sẽ giúp sản sinh các kháng thể trung hòa, một dạng phân tử đặc biệt của hệ miễn dịch có khả năng làm bất hoạt một loạt các biến thể của virus HIV.
Trong các nghiên cứu mới nhất này, các nhà khoa học đã tiến hành thử nghiệm chất kháng nguyên có tên eOD-GT8 60mer, một loại protein có khả năng bám chặt và kích hoạt các tế bào B cần thiết để chống lại HIV.
Bằng cách sử dụng phân loại các tế bào B, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc chủng ngừa với eOD-GT8 60mer đã giúp hai con chuột thí nghiệm sản xuất các "tiền kháng thể" có khả năng phát hiện và ngăn chặn sự tấn công của virus HIV.
Điều này cho thấy eOD-GT8 60mer hoàn toàn có thể là một "ứng cử viên tốt" để phục vụ cho công tác chủng ngừa HIV.
Theo số liệu của Liên hợp quốc, kể từ khi virus HIV gây suy giảm miễn dịch ở người bắt đầu bùng phát thành đại dịch trên toàn thế giới, đã có khoảng 78 triệu người lây nhiễm và khoảng 39 triệu người trong số đó đã tử vong.
Ngoài việc sử dụng các loại thuốc nhằm hạn chế sự lây nhiễm của HIV, hiện chưa có biện pháp triệt để nào để chữa trị và ngăn chặn hoàn toàn virus chết người này.
Do đó, những phát hiện trên được xem là một bước tiến lớn, mở ra hy vọng cho việc phát triển các loại vắcxin ngừa HIV đầu tiên có khả năng kích thích cơ thể sản sinh các kháng thể./.