Hy vọng sự hồi sinh tại Khu vực phi quân sự liên Triều

Trang mạng usatoday.com đưa tin, Panmunjom là một dải đất hẹp và biệt lập chia tách Triều Tiên và Hàn Quốc với xe tăng, pháo binh và hàng nghìn binh sỹ tập trung ở đây.
Binh sỹ Hàn Quốc tại trạm kiểm soát gần Khu vực Phi quân sự (DMZ) chia tách hai miền Triều Tiên trên đảo Ganghwa ngày 24/5/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Binh sỹ Hàn Quốc tại trạm kiểm soát gần Khu vực Phi quân sự (DMZ) chia tách hai miền Triều Tiên trên đảo Ganghwa ngày 24/5/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang mạng usatoday.com đưa tin,Panmunjom là một dải đất hẹp và biệt lập chia tách Triều Tiên và Hàn Quốc với xe tăng, pháo binh và hàng nghìn binh sỹ tập trung ở đây.

Địa phận Panmunjom thuộc Hàn Quốc cũng là nơi làm việc của Patrick Gauchat, một Thiếu tướng người Thụy Sĩ, với nhiệm vụ bảo đảm hai nước tuân thủ thỏa thuận đình chiến chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên.

Lúc rảnh rỗi, Tướng Gauchat nghe tin tức về các cuộc thương lượng giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và chờ đợi hòa bình để kết thúc nhiệm vụ của mình

Tướng Gauchat cùng Thiếu tướng hải quân Thụy Điển Anders Grenstad dẫn đầu một nhóm công tác do Liên hợp quốc giám sát.

Tuy nhiên, sứ mệnh của nhóm này đã thay đổi gần đây kể từ khi “sự thân thiện” được nhen nhóm giữa Tổng thống Trump, nhà lãnh đạo Kim và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, như theo cách gọi của Tướng hải quân Grenstad đối với các cuộc thương lượng đầy rủi ro giữa 3 nhà lãnh đạo này.

Nảy nở “tình thân”

Những thay đổi bắt đầu sau khi Moon và Kim hồi tháng 4/2018 nhất trí biến khu vực phi quân sự này thành “vùng hòa bình,” bắt đầu bằng hàng loạt các bước đi nhỏ.

Kể từ đó, hai vị tướng Grenstad và Gauchat đã chứng kiến các binh sỹ Triều Tiên và Hàn Quốc tháo dỡ các tấm biển hiệu cảnh báo, rà phá bom mìn và ngừng tuyên truyền chống phá lẫn nhau dọc khu phi quân sự này.

Trước khi ông Kim và ông Moon có thỏa thuận này, Triều Tiên thường xuyên phát tin tức chỉ trích Hàn Quốc là “con rối” của Mỹ. Trong khi đó, Hàn Quốc lại phát đi những kiểu tin tức và bài phát biểu chỉ trích Bình Nhưỡng.

[Hàn Quốc, Triều Tiên và Mỹ khẳng định tiếp tục đối thoại]

Giờ hai bên đã “tắt loa” tuyên truyền của mình và mỗi bên hạ gỡ 10 biển hiệu cảnh báo. Mỗi bên cũng bỏ đi thêm một vị trí canh gác, khiến cho vị trí canh gác là một phần của một viện bảo tàng trong tương lai.

Hoạt động rà phá bom mìn

Hàn Quốc đã mời các sĩ quan Thụy Sĩ-Thụy Điển đến giám sát các bước thực hiện trên phần địa giới của mình. Ví dụ, các sỹ quan này được phép giám sát khi lực lượng quân sự Hàn Quốc sử dụng thiết bị công nghệ cao của Mỹ để rà phá bom mìn.

Theo Thiếu tướng Grenstad, mặc dù Triều Tiên từ chối cho phép các quan sát viên trung gian giám sát công việc của họ, nhưng các quan sát viên có thể chứng kiến các binh sỹ của ông Kim thực hiện các bước đi làm giảm căng thẳng như việc sử dụng gậy rò tìm bom mìn. Ít nhất đã có 2 quả bom mìn phát nổ ở khu vực địa giới của Triều Tiên mà được cho là đã được dọn sạch.

Ngoài rà phá bom mìn, có thay đổi về cách xử lý của Triều Tiên đối với lính đào tẩu tại khu vực phi quân sự.

Theo lời kể của Thiếu tướng Grenstad, khu vực phi quân sự cũng là nơi chứng kiến binh lính Triều Tiên đào ngũ, bị bắn và bắt giữ.

Sau các sự kiện như vậy, quân đội Hàn Quốc và Triều Tiên thường tiến hành điều tra riêng rẽ, sau đó, họ họp tại doanh trại để trao đổi lại tình hình cùng với hai vị tướng Gauchat và Grendstat.

Thường thì phía Triều Tiên không tham gia những phiên họp này, song họ lại thực hiện một sự thay đổi lớn sau khi nổ súng bắn lính đào tẩu.

Cuộc đối thoại bất ngờ

Khi hai vị tướng Grentsad và Gauchat hỏi Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc rằng liệu có bất kỳ cơ hội nào cho đối thoại hai bên hay không. Câu trả lời là “chắc chắn không.”

Hy vọng sự hồi sinh tại Khu vực phi quân sự liên Triều ảnh 1 Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. (Nguồn: TTXVN)

Thế nhưng, một cuộc đối thoại liên Triều đã nhanh chóng diễn ra, gây bất ngờ cho những nhân viên đồn trú và thực hiện nhiệm vụ tại khu phi quân sự cũng như bất ngờ cho phần còn lại của thế giới.

Hai vị tướng Grenstad và Gauchat đã hào hứng khi chứng kiến ông Trump, ông Kim và ông Moon tham gia vào hàng loạt cuộc gặp thượng đỉnh, trong đó có cuộc gặp tại khu phi quân sự nơi ông Moon và ông Kim cùng ngồi trò chuyện dưới chân cây cầu màu xanh.

Thế nhưng, mọi thứ chưa hẳn đã tươi sáng, Tướng Grenstad bình luận. Cụ thể, tuần trước, Bình Nhưỡng tuyên bố đã thử một loại “vũ khí chiến thuật” mới có khả năng nâng cao “sức mạnh chiến đấu” của nước này.

Chính quyền ông Kim không tiết lộ loại vũ khí đó là gì song giới chuyên gia cho rằng hành động này là sự gây hấn và là dấu hiệu cho thấy Triều Tiên tức giận trước tình trạng đàm phán hiện nay.

Ngay cả trước khi xảy ra vụ thử vũ khí nói trên, hợp tác giữa quân đội Triều Tiên và Hàn Quốc đã bị đình trệ sau cuộc gặp thượng đỉnh lần 2 ở Hà Nội khi Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim không đạt được thỏa thuận nào về phi hạt nhân hóa và nới lỏng trừng phạt.

Giờ đây, đội ngũ quan sát trung gian làm việc tại khu phi quân sự này không biết chắc điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Hàng ngày, đôi khi họ vẫn bàn tán về tiến trình đàm phán và dõi theo các diễn biến. Đôi khi họ lại không muốn làm giới quan sát mà trở thành người chỉ huy đối thoại.

Tuy nhiên, khi được hỏi liệu họ có lo sợ cho cuộc sống của mình ở khu phi quân sự hay không, họ đáp rằng “có." Nhưng sự lo sợ này là vì điều kiện sống hoang dã nơi đây chứ không phải vì khu vực phi quân sự là một nơi nguy hiểm như trước kia.

Thiếu tướng Gauchat hy vọng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên sẽ là lý do để ông kết thúc sứ mệnh ở khu phi quân sự này, chứ không phải đơn thuần vì ông hết nhiệm kỳ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.