Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) kỳ vọng ngành hàng không khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ dần phục hồi trong năm nay, mặc dù vẫn còn một số tồn tại trong chuỗi cung ứng và hạn chế đi lại liên quan đến đại dịch COVID-19.
Ông Philip Goh, Phó Chủ tịch phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của IATA, khẳng định: "Sẽ mất ít nhất 2 năm để du lịch quốc tế trở lại mức bình thường, trong khi đó chỉ số khách luân chuyển (RPK) sẽ trở lại bình thường vào năm 2025."
Cú hích từ Trung Quốc
Theo ông Philip Goh, việc Trung Quốc mở cửa trở lại sớm hơn 6 tháng so với dự kiến là một "cú hích" lớn đối với châu Á-Thái Bình Dương cũng như ngành hàng không trên toàn thế giới.
Vào tháng 4/2023, chỉ số khách luân chuyển ở châu Á-Thái Bình Dương đã tăng 82% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi, RPK nội địa đã vượt qua mức của năm 2019, du lịch quốc tế trong khu vực phục hồi ổn định nhưng chỉ ở mức 66%.
Ông Goh tin rằng sẽ mất ít nhất 2 năm để du lịch quốc tế trở lại mức bình thường và RPK dự kiến sẽ trở lại bình thường vào năm 2025.
Trong khi đó, ngành hàng không toàn cầu năm nay dự báo đạt lợi nhuận ròng 9,8 tỷ USD trên tổng doanh thu 803 tỷ USD. Châu Á-Thái Bình Dương vẫn có thể tụt lại so với các khu vực khác với khoản lỗ ròng lên tới 6,9 tỷ USD.
Ông Goh kỳ vọng khu vực này sẽ có sự cải thiện vào năm tới, nhưng lưu ý rằng chưa có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy ngành hàng không khu vực châu Á-Thái Bình Dương có thể tăng trưởng dương.
Theo ông Goh, các chuyến bay ra nước ngoài từ Trung Quốc là yếu tố quyết định giúp thúc đẩy chỉ số RPK của khu vực trở lại mức bình thường trong năm nay sau khi tăng tới 82% so với mức được ghi nhận vào tháng 4/2019.
Ông Goh cho rằng: "Trung Quốc là một thị trường hàng không khổng lồ vừa mở cửa trở lại cách đây vài tháng, song vẫn còn một số hạn chế nhất định. Ví dụ, yêu cầu thị thực đối với du khách Singapore, so với việc miễn thị thực du lịch trước khi bùng phát dịch COVID-19."
Theo ông Zhao Hongliang, Giám đốc điều hành Juneyao Air, tuyến bay Trung Quốc và Thái Lan của hãng hàng không này đang phục hồi, nhưng mới chỉ bằng 40% so với mức được ghi nhận vào năm 2019, với 2 chuyến bay hàng ngày từ Thượng Hải đến Bangkok và từ Thượng Hải đến Phuket.
Ông Zhao cho biết những thách thức đối với các hãng hàng không quốc tế cũng tồn tại ở các sân bay Thái Lan, chẳng hạn như năng lực còn hạn chế ở sân bay Chiang Mai. Hiện tại Juneyao Air vẫn chưa được phép nối lại chuyến bay đến Chiang Mai trong năm nay như kế hoạch trước đó.
Sân bay quốc tế Suvarnabhumi, gần thủ đô Bangkok cũng đối mặt với vấn đề tương tự và hãng đã phải chuyển hoạt động sang sân bay Don Mueang.
Trong khi đó, ông Chai Eamsiri, Giám đốc điều hành của Hãng hàng không quốc gia Thái Lan (Thai Airways International), cho biết hãng kỳ vọng lượng khách Trung Quốc cũng như các thị trường khác sẽ tăng đáng kể trong thời gian còn lại của năm nay, đặc biệt là trong mùa du lịch cao điểm bắt đầu từ cuối quý 3.
Thách thức từ chuỗi cung ứng
Ông Chai cho biết một thách thức lớn của ngành hàng không trong năm nay là sự phụ thuộc vào phía cung, vì nguồn cung phụ tùng và trang thiết bị phục vụ cho ngành hàng không của các nhà sản xuất vẫn chưa trở lại bình thường.
Các doanh nghiệp này đã phải cắt giảm một số lượng lớn nhân viên trong đại dịch COVID-19 và hiện họ đang phải trì hoãn giao hàng.
Với nhu cầu đi lại bằng đường hàng không tăng cao, nhiều hãng hàng không đang phải xếp hàng chờ đợi để giúp đội bay của họ có thể phục vụ tốt khách hàng, điều này đã tạo ra một "nút thắt cổ chai."
Ông Chai nhấn mạnh: "Chúng tôi muốn tăng khả năng bay, nhưng vấn đề là chúng tôi không có đủ máy bay."
Công suất tại Thai Airways đã tăng trở lại mức 65% so với năm 2019. Thai Airways đã giải quyết vấn đề tắc nghẽn tại các quầy làm thủ tục, đồng thời tăng số lượng nhân viên xử lý các dịch vụ mặt đất cho hành khách.
Tuy nhiên, Thai Airways vẫn cần thêm nhân viên để cho các hãng hàng không quốc tế khác thuê lại khi sử dụng dịch vụ mặt đất tại sân bay Suvarnabhumi.
Phát biểu tại Đại hội thường niên của IATA và Hội nghị thượng đỉnh về vận tải hàng không thế giới năm 2023 tại Istanbul, ông Chai cho hay các cuộc đàm phán song phương được tổ chức với các hãng hàng không đối tác và các bên liên quan đã diễn ra rất tích cực, trong đó có việc thiết lập các tuyến mới.
Năm nay, Thai Airways đặt mục tiêu chuyên chở 9 triệu lượt hành khách với doanh thu 130-140 tỷ baht (3,7-4 tỷ USD). Hiện, Hãng hàng không quốc gia Thái Lan đang có đội bay với khoảng 65 chiếc và sẽ tăng thêm 11 máy bay Airbus A350 vào năm tới.
Kêu gọi giảm rào cản
IATA đã kêu gọi 10 quốc gia và vùng lãnh thổ dỡ bỏ các rào cản đi lại của họ, chẳng hạn như các hạn chế hoặc yêu cầu liên quan đến dịch COVID-19. Trong đó, có việc đề nghị Indonesia hủy yêu cầu tiêm chủng đối với hành khách nhập cảnh vào quốc gia này hay yêu cầu test COVID-19 đang được Ấn Độ áp dụng.
Đối với Thái Lan, ông Goh cho rằng việc nước này đưa ra kế hoạch thu thuế du lịch 300 baht không phải là một ý tưởng hay vì nó sẽ ngăn cản hành khách đi du lịch.
Ông Goh nhấn mạnh thậm chí năm tới cũng chưa phải là thời điểm thích hợp để bắt đầu một kế hoạch như vậy, vì hoạt động du lịch của khu vực châu Á-Thái Bình Dương vẫn chưa phục hồi hoàn toàn.
Ông Goh lưu ý thêm rằng hiện tại, nhu cầu của du khách đã phục hồi nhanh hơn tốc độ phục hồi của ngành hàng không. Ông tin rằng giá vé sẽ phù hợp hơn khi các hãng hàng không nâng công suất ghế và giá nhiên liệu máy bay giảm xuống./.